Có những người xem chuyện ngoại tình như là gia vị thêm nếm cho cuộc sống thêm thi vị mà không nghĩ đến cảm xúc của bạn đời.

Linh Chi (t/h) 22:16 11/09/2022

Tháng trước, nhiều người bất ngờ trước thông tin siêu mẫu Emily Ratajkowski và chồng cô, Sebastian Bear-McClard chia tay. Họ kết hôn được bốn năm và có với nhau một cậu con trai một tuổi.

Chính tạp chí People đã xác nhận, thông qua một nguồn tin giấu tên thân cận với cặp đôi, Ratajkowski là người chủ động chấm dứt mối quan hệ và sẽ đệ đơn ly hôn. Lý do chính là Bear-McClard liên tục ngoại tình.

“Đúng vậy, anh ta đã lừa dối Ratajkowski. Anh ta là một kẻ lừa tình hàng loạt. Tất cả đều rất khó chịu” – người giấu tên cho hay.

Cụm từ "serial cheater", bắt nguồn từ "serial killer" (kẻ giết người hàng loạt), có thể tạm dịch là kẻ lừa tình hàng loạt, ám chỉ những người nhiều lần gian dối người yêu, bạn đời và gần như bị nghiện, không thể kiểm soát việc ngoại tình của mình.

Ảnh minh họa: Internet

Tất nhiên, trường hợp Ratajkowski và Bear-McClard không phải là trường hợp duy nhất thuộc loại này. Những người nổi tiếng khác như cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, nữ minh tinh Elizabeth Taylor, nam diễn viên Jack Nicholson, tay golf Tiger Woods, diễn viên Brad Pitt và diễn viên hài Chris Rock cũng có xu hướng lén lút qua lại với nhiều người sau lưng bạn đời.

Nếu khái niệm lừa tình hàng loạt thực sự tồn tại, đâu là nguyên nhân gây ra sự thôi thúc không chung thủy? Tại sao con người không thể kiểm soát bản thân?

Đặc điểm của kẻ liên tục ngoại tình

Nhà tâm lý học Ainhoa Plata giải thích: "Trong tâm lý học, không có khái niệm, thuật ngữ nào như vậy, nhưng có những đặc điểm tính cách khiến một số người dễ trở nên thiếu chung thủy hơn".

Theo Plata, hành vi này là do một số bệnh lý tâm lý.

“Rất có thể, những người này đang đối mặt với chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Những người này sử dụng người khác để cảm thấy được yêu mến và ngưỡng mộ. Họ thích thử thách và liên tục chứng tỏ với bản thân rằng họ ở trên những người khác. Vì lý do này, họ thích sống trong niềm đam mê được yêu. Họ cảm thấy được ngưỡng mộ và quý trọng trong những mối quan hệ chớp nhoáng hơn là sự gắn bó lâu dài" – Plata cho biết.

Theo Bárcenas, những người ái kỷ cũng có xu hướng mắc chứng rối loạn nhân cách theo thời gian, có nghĩa là họ rất coi trọng sức hấp dẫn về thể chất và tình dục.

“Kẻ lừa tình hàng loạt tìm cách chứng thực bản thân bằng cách cảm thấy hấp dẫn đối với người khác. Họ là những người được môi trường đánh giá dựa trên độ đẹp trai hay xinh xắn, hay sức lôi cuốn của họ…” – Bárcenas cho biết.

Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, các nhà tâm lý cũng nhấn mạnh không phải tất cả những người không chung thủy đều bị rối loạn nhân cách hoặc có vấn đề về tâm thần. Bản chất con người không chung thủy, nhưng chúng ta chưa chuẩn bị để hiểu về điều này và đó là lý do mọi người cố gắng che giấu nó để bạn đời không đau khổ, để con cái không phải chịu xung đột gia đình.

Ảnh hưởng của mạng xã hội và đại dịch

Mặc dù sự không chung thủy luôn tồn tại nhưng có vẻ như phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng hẹn hò đã khiến vấn đề phức tạp hơn.

Theo một nghiên cứu năm 2014 ở Anh, mạng xã hội được coi là lý do dẫn đến sự xa cách trong một phần ba tổng số trường hợp ly hôn. Các con số kể từ đó đã tăng hơn nữa.

Bárcenas giải thích: "Mạng xã hội và các ứng dụng đã thay đổi hoàn toàn 'luật chơi' đối với những serial cheater. Giờ đây, việc liên lạc với mọi người, tạo danh tính giả và che giấu tất cả với bạn đời đã trở nên dễ dàng hơn nhiều".

Theo nhà trị liệu tâm lý, những ứng dụng này khiến chúng ta coi mọi người là "hàng tiêu dùng". "Nó khiến một số nghĩ: 'Nếu tôi không làm quen với người này, tôi có thể tán tỉnh thêm hàng nghìn người nữa'".

Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề trong mối quan hệ tình cảm. Theo Plata, sau đại dịch, các nhà tâm lý thậm chí quá tải với công việc tư vấn, trị liệu cho những cặp đôi gặp vấn đề trong tình yêu, hôn nhân.

(Theo Elpais)  

 
Theo T. Linh/Gia Đình Việt Nam