Tôi giật mình nghe vợ nói thế nên cũng ngồi để săm soi con. Lòng thì nghĩ, làm như phim truyền hình vậy, muốn đổi con là đổi ngay được sao.
Tôi là một người đàn ông 32 tuổi, là cha của một cậu bé vừa lên 3, là chồng của một người phụ nữ 28 tuổi hiện đang bán hàng tạp hóa.
Cách đây hơn 4 năm, vợ chồng tôi cưới nhau về. Cuộc sống lúc đó còn thiếu thốn, chúng tôi ở trong một căn hộ mini đi thuê với giá gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Vợ tôi là nhân viên hành chính trong một công ty nhà nước. Còn tôi là trưởng phòng của một công ty tư nhân lớn. Vì có dự định mua nhà nên chúng tôi khá tiết kiệm. Vài tháng sau cưới, vợ tôi có bầu. Vợ tôi chuyển dạ trước ngày dự sinh 3 hôm, hai vợ chồng rối rít đưa nhau đi đẻ ngay trong đêm. Không ngờ vừa vào bệnh viện, vợ tôi đã la hét đau quá, cơn đau khiến cô ấy ngất xỉu nên được bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu.
May mắn là con trai tôi bình yên ra đời, vợ tôi cũng bình an vô sự. Ở bệnh viện một tuần thì chúng tôi trở về nhà. Bố mẹ đẻ hai bên đều ở xa, chỉ gọi điện lên hỏi thăm rồi các ông các bà lục đục kéo nhau ra thăm một ngày sau đó vội vã bắt xe về. Lúc đó vợ chồng tôi ở phòng quá bé, mẹ vợ muốn ở lại chăm sóc cháu cũng không được. Còn mẹ tôi thì lại vướng chị gái tôi cũng đẻ, thành ra bà phải về quê.
Mấy ngày đầu, vợ tôi luôn trầm mặc, tôi giục thì vợ cho con bú, không giục thì cứ kệ con. Vợ tôi cũng không chịu ôm con, nghe thấy con khóc thì gắt gỏng lẩm bẩm mắng mỏ rồi bỏ ra ngoài hiên đi dạo. Nhìn thấy biểu hiện là lạ đó của vợ, tôi gọi điện hỏi mẹ thì được mẹ bảo, hiện tượng bình thường sau sinh. Sau đó mẹ tôi liên tục dặn dò là phải ép vợ tôi ôm con thật nhiều, tự nhiên sẽ dâng trào tình mẫu tử.
Thế nhưng suốt ngày vợ tôi vẫn không chịu cho con bú. Lúc tôi gặng hỏi vì sao thì vợ tôi quay sang bảo “Anh đừng nói dối em, em biết thừa đây không phải con em. Lúc em cấp cứu bị bác sĩ đổi mất con rồi”.
Vì tình trạng của vợ như vậy nên mặc dù đã hết ngày nghỉ phép, tôi vẫn không dám bỏ vợ con ở nhà để đi làm. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ bệnh trầm cảm của vợ tôi nhẹ nên chủ quan. Tôi tưởng cô ấy chê con nên không thích ôm ấp và cho bú. Cho đến một đêm, đang ngủ say mà tôi nghe thấy tiếng lầm bầm của vợ nói chuyện với con. Tôi vui lắm, cứ giả vờ nằm im để nghe xem vợ tôi nói gì.
Sáng hôm sau, tôi điện ngay cho mẹ lên trông cháu giúp tôi. Chờ đến chiều mới thấy mẹ tôi hớt hải được xe ôm chở về nhà tôi. (Tôi không dám bỏ lại vợ với con để đi đón mẹ). Bà lao vào ôm đứa cháu đang khóc ngặt nghẽo vì đói. Vợ tôi thì ngồi im lìm trên giường, mặt mày cau có khó chịu vì tiếng khóc của con. Tôi nhờ mẹ cho con uống sữa bột rồi sửa soạn cho vợ, đưa cô ấy đến bệnh viện.
Vì vợ tôi nhất quyết không chịu ở bệnh viện nên tôi đưa vợ về nhà. Mọi sinh hoạt, nói năng với người khác, vợ tôi vẫn bình thường, duy chỉ không chịu nhận con, ôm con và cho con bú. Vì thế, tôi đưa vợ đi chơi quanh nội thành, vào một quán cà phê yên tĩnh sau đó nói chuyện với vợ. Tôi hỏi cô ấy có buồn phiền gì thì nói hết ra cho chồng nghe.
Vợ tôi không nói. Tôi cũng không ép. Nhưng từ hôm đó trở đi, tôi xin nghỉ phép dài hạn ở công ty. Ở nhà chuyện trò với vợ. Tôi tự thay tã, tự cho con uống sữa trước mặt vợ. Rồi trò chuyện với con, khen con giống vợ. Ban đầu vợ tôi cũng tò mò nhìn thử. Sau rồi cô ấy cũng đưa tay sờ nắm tay con, thấy con nắm lại, cô ấy vui lắm. Mọi thứ tôi cứ để vợ làm quen dần. Có lần cô ấy bị căng sữa liền vạch ra cho con bú. Tôi thầm thở phào vì bản năng làm mẹ đã dần quay về với vợ tôi.
Một năm đầu sau khi vợ sinh, tôi đi muộn về sớm, buổi trưa lại tranh thủ chạy về chăm sóc vợ và ôm đỡ con để bà nghỉ ngơi. Mẹ vợ tôi trước đó đã lên “thay ca” cho mẹ đẻ. Phòng chật chội nhưng không có ai ở nhà cùng, tôi không yên tâm. Đêm tôi phải kê chiếc giường gấp nằm cạnh cửa nhà tắm để ngủ. Điều mừng nhất là bệnh tình của vợ tôi đã có chuyển biến khá tốt. Cô ấy vui vẻ hơn rất nhiều, đặc biệt là từ khi con bắt đầu ê a cười nói với vợ, cô ấy đã yêu con nhiều hơn. Suốt ngày ôm ấp, chơi đùa và trêu chọc con.
Tôi viết đơn xin nghỉ làm cho vợ rồi thuê một gian hàng nhỏ ngay dưới khu chúng tôi ở để mở cửa hàng tạp hóa cho vợ. Thế là từ lúc đó, vợ tôi chỉ ở nhà bán mấy đồ lặt vặt và chơi với con. Mẹ vợ tôi vẫn ở cùng chúng tôi. Mấy lần mẹ bảo cho vợ con tôi về quê bà trông nhưng tôi không muốn xa con. Tôi cũng sợ về quê xa xôi, có việc gì không tiện đến bệnh viện nên tôi động viên mẹ ở lại thêm thời gian.
Đến nay con trai tôi đã đi học lớp mẫu giáo 3 tuổi, vợ tôi thì bán hàng cũng qua ngày, mặc dù nhiều khi cô ấy lơ đãng trả nhầm tiền nhưng mọi người đều vui vẻ nhắc nhở. Vì thế tôi mong những người phụ nữ đã, đang và sắp sinh con, hãy mạnh mẽ lên. Còn những đức ông chồng hãy dành thời gian quan tâm tới họ hơn.