Tôi thấy ông ấy cũng thẳng thắn nên cũng xuôi xuôi. Dù tôi còn băn khoăn nhưng ông ấy đã nằng nặc muốn tôi về ở chung. Con cái hai bên không phản đối nên chúng tôi làm bữa cơm giữa hai họ, coi như thành hôn.
Hôm qua, tôi ngồi nói chuyện với một chị Hồng (48 tuổi), một người giúp việc theo giờ của hàng xóm. Ngồi nói chuyện mới ngạc nhiên vì chị sống ở ngoại thành, nhà cửa rộng rãi, hai con lớn đã đi làm, thừa sức nuôi mẹ. Chị cũng tích cóp được không ít, cuộc sống không thiếu thốn. Nhưng chị bảo chị thích đi dọn dẹp, coi như tập thể dục mà lại kiếm được tiền, lại có người trò chuyện, cuộc sống vui vẻ hơn nhiều.
Chị ly hôn cách đây 17 năm, khi đó con chị 2 đứa mới 10 và 8 tuổi. Lúc đó, chị mới 31 tuổi, nhan sắc còn mặn mà, có không ít người đàn ông đến ngỏ lời, muốn cưới chị. Nhưng chị không dám tái hôn, chị sợ các con tổn thương.
"Con lớn rồi chúng nó đi biền biệt mới thấy buồn. Giờ thì muốn cưới cũng chẳng tìm được người thật lòng", chị Hồng thở dài.
Chị bảo, nhiều người cũng giới thiệu cho chị vài người đàn ông khoảng 60-65 tuổi nhưng chỉ ít lâu chị đã chạy "mất dép". Mà tất cả đều chỉ có 1 nguyên nhân.
"Mấy năm trước, tôi đi dọn nhà cho một nhà giàu có. Con cái cũng đi làm xa hết, ở nhà có ông bố 60 tuổi. Ông Thành này trước làm lãnh đạo to to nên kinh tế khả giả. Sau một thời gian tôi qua lại dọn dẹp, còn giúp nấu ăn, ông này tỏ ý rất thích tôi.
Tôi thấy ông ấy cũng thẳng thắn nên cũng xuôi xuôi. Dù tôi còn băn khoăn nhưng ông ấy đã nằng nặc muốn tôi về ở chung. Con cái hai bên không phản đối nên chúng tôi làm bữa cơm giữa hai họ, coi như thành hôn.
Về đến nhà thì mọi việc dọn dẹp, cơm nước, chăm sóc ông Thành đều một tay tôi cáng đáng. Ông Thành từng bị tai nạn giao thông, trời mưa là đau nhức vết thương cũ, nằm rên hừ hừ. Ông ấy còn bị tiểu đường, huyết áp cao... Chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc men của ông ấy rất chặt chẽ... Ông ấy còn không biết cố gắng, thường xuyên bày bừa, đau một chút là rên hừ hừ, bắt phục vụ tận giường.
Đáng nói là về bệnh tật của ông Thành trước khi về sống chung tôi không hề biết. Ông ấy giấu tiệt. Lúc đi chơi với tôi quần là áo lượt, nom khỏe mạnh, sáng láng lắm.
Chăm sóc một thời gian tôi rất mệt mỏi nên bực bội bảo: "Ông gọi con ông về chăm sóc hoặc thuê người, chứ tôi chịu hết nổi".
Thế là ông ấy cũng sừng cồ lên bảo: "Cưới vợ về không phải để chăm sóc lẫn nhau à. Tôi không ốm đau thì tôi cưới vợ về làm gì? Trước cô làm giúp việc cũng làm tất có kêu gì đâu. Nếu cô cần thì tôi sẽ trả lương cho cô". Ô, hóa ra cưới tôi về chỉ để hầu bệnh tật ông ấy à! "Chăm sóc lẫn nhau" nhưng tôi có được ông ấy "dí' cho cái ngón tay nào. Tôi mệt mỏi phàn nàn tí là ông ấy cáu bẳn. Tôi mãn kinh thường nóng lạnh giữa đêm, đạp chăn ra ông ấy còn ghét bỏ, nói tôi phiền phức...
Ông ấy cưới tôi về để làm Osin không công cho ông ta, lại còn thi thoảng được ngủ miễn phí. Khôn thế quê tôi đầy. Thế là tôi vứt toẹt tất cả, bỏ về nhà. Cũng may còn chưa đi đăng ký kết hôn".
Chị Hồng lúc trầm lúc bổng kể chuyện, giọng còn chưa hết bức xúc. Sau này nhiều người cũng giới thiệu cho chị vài ông 60-65 tuổi nhưng qua lại vài lần đều vội vã muốn chị về sống chung để nấu cơm, dọn nhà cho họ... Thế là chị chạy mất dép.
"Tôi cứ tơ tưởng vào cái gọi là tình cảm về già, chia sẻ với nhau cho đỡ cô đơn. Nhưng với đàn ông họ chả cần điều đó đâu. Lúc khỏe họ ra đường chia sẻ với bạn bè, với quán bia. Lúc ốm họ lại lăn ra ăn vạ mình. Mình chả dại".