Cúng ông Công, ông Táo thường được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau việc cúng ông Công ông Táo có thể thực hiện khác ngày.
Cúng ông Công, ông Táo là phong tục truyền thống của người Việt
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là Tết ông Công, ông Táo hay Tết Táo quân. Không chỉ là ngày lễ rất quan trọng, Tết Táo quân còn là dịp để người dân bày tỏ lòng thành với tổ tiên và các vị thần linh thông qua các nghi lễ cúng bái và sắm sửa lễ vật.
Theo tục lệ của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về những sự việc xảy ra trong năm vừa qua. Vì thế việc cúng ông Công, ông Táo được tiến hành trọng thể ở các gia đình.
Cúng ông Công, ông Táo ngày nào cho đúng?
Thông thường lễ cúng ông Công, ông Táo được tiến hành đúng vào ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên vẫn có những gia đình cúng trước đó một vài ngày. Năm nay, ngày 23 tháng Chạp vào ngày thứ 5, vì thế nhiều gia đình thắc mắc không biết có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp hay không?
Trả lời cho câu hỏi trên, chia sẻ trên Báo Giao thông, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, Viện nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho hay lễ cúng ông Công, ông Táo tốt nhất là vào giờ Ngọ (11h – 13h) ngày 22 và 23 tháng Chạp khi các thần quy tụ chuẩn vị về trời. Tùy vào điều kiện từng gia đình mà lễ cúng có thể khác nhau. Có gia đình cúng vào buổi sáng hoặc buổi chiều ngày 23 nhưng cũng có gia đình đã thực hiện lễ cúng ông táo sớm trước đó 1 ngày.
Tuy nhiên, nếu không bận việc thì gia chủ nên hoàn tất việc cúng ông Công, ông táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp để kịp giờ các thần lên thiên đình. Trong trường hợp bất khả kháng chỉ có thể cúng vào tối 23 thì gia đình nên thành tâm và có xin phép.
Trong cuốn "Phong Tục Ngày Tết" (NXB Hồng Đức) ghi rõ, các gia đình tùy từng điều kiện có thể cúng ông Công, ông Táo trước hai ngày cũng được. Miễn là hoàn thành lễ cúng trước 12h00 ngày 23 tháng Chạp vì đây là thời điểm Táo quân đã phải có mặt trên Thiên đình. Nếu cúng sau giờ Ngọ, Táo quân không thể chầu trời, đồng nghĩa với việc cả năm tới của gia đình đó sẽ gặp nhiều vất vả, sóng gió.
Phong tục cúng ông Công, ông Táo là một nét đẹp văn hóa >tâm linh của người Việt. Ngày lễ mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống trong các gia đình, truyền tải những mong ước tốt đẹp và góp phần gia tăng thêm hương vị ngày Tết ở Việt Nam. Qua bài tổng hợp này, mong rằng các gia đình sẽ có thêm thông tin để chào đón một năm mới bình an và hạnh phúc.