Tạm xa gia đình, bác sĩ trẻ Nguyễn Bình Phong đã hết lòng cứu chữa, chăm sóc những người bệnh mắc Covid-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện 30/4. Anh đã trở thành người thân, chỗ dựa tinh thần để người bệnh có thêm niềm tin chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Theo giới thiệu của Bác sĩ Lâm Ngọc Phước, Trưởng Phòng Tổ chức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, tôi gặp bác sĩ Nguyễn Bình Phong (29 tuổi), một bác sĩ trẻ của đơn vị này đã sớm có mặt trong đội ngũ những bác sĩ vào công tác tại bệnh viện điều trị Covid-19 trong những ngày dịch bệnh bùng phát ở địa phương.
Bác sĩ Nguyễn Bình Phong cho biết: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT, cậu học sinh học giỏi của trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thi và đậu vào chuyên ngành Y đa khoa của trường Đại học Y dược Cần Thơ. Năm 2018, tốt nghiệp ra trường, tân sinh viên y khoa Nguyễn Bình Phong về nhận công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, bác sĩ trẻ Nguyễn Bình Phong được điều động sang làm nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân F0 tại bệnh viện 30/4 (phường 3-TP Sóc Trăng), là bệnh viện điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Nói về thời gian được điều sang làm nhiệm vụ tại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân F0, Bác sĩ Phong vui vẻ kể: “Là một bác sĩ đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện đa khoa tỉnh, khi được điều sang công tác tại bệnh viện 30/4, tiếp xúc gần, chăm sóc, điều trị cho các F0, ban đầu cũng có chút lo lắng vì dịch phức tạp, bệnh nhân khá đông, bản thân lại chưa thật quen với công việc mới nhưng tôi xác định bằng mọi cách phải nỗ lực hết mình để chiến đấu với tử thần, cứu sống bệnh nhân."
"Với thời gian hơn 3 tháng lấy “bệnh viện làm nhà, bệnh nhân là người thân”, tôi và các anh chị em đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Mỗi khi có bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện về nhà, tôi và mọi người rất vui, rất xúc động vì nhiệm vụ của mình đã hoàn thành và đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đón và điều trị cho các bệnh nhân khác”, bác sĩ Phong nói.
Trong bệnh viện chuyên điều trị cho các F0, bác sĩ Phong và đồng nghiệp của anh có rất nhiều khó khăn như bệnh nhân đông, nhân lực, vật lực trang thiết bị đôi khi cũng chưa được đầy đủ, chế độ làm việc khá áp lực, việc ăn ngủ, sinh hoạt cũng phải “tranh thủ” nhưng anh và các đồng nghiệp của mình vẫn vui vẻ, không ngại khó, ngại khổ với tinh thần “tất cả vì >sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.
Tôi hỏi vào bệnh viện, tiếp xúc với các F0 có sợ không thì Bác sĩ Phong nói: “Nói không sợ thì không đúng bởi Covid-19 không chừa ai, đã có không ít đồng nghiệp của chúng tôi đã thành F0 khi tiếp xúc với bệnh nhân nhưng tôi đã xác định nhiệm vụ của mình là cứu người nên vào bệnh viện điều trị F0 tôi rất thoải mái, mình mà sợ thì ai điều trị cho người bệnh. Vào bệnh viện, mục tiêu của tôi và các đồng nghiệp là lo cho bệnh nhân, không lo gì cho mình. Tôi xác định, bệnh nhân đang ở ranh giới của sự sinh tử, họ đang cần mình, mình phải nỗ lực hết mình để làm chỗ dựa cho bệnh nhân để bà con yên tâm điều trị, mau hết bệnh về với gia đình. Những ngày ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, có không ít người, trong đó có cả người còn trẻ, rất hoang mang, lo lắng. Trước tình hình đó, tôi đã gần gũi, tâm sự với họ, giúp họ có niềm tin để yên tâm điều trị và kết quả là nhiều người đã hết bệnh về với gia đình”.
“Về đơn vị công tác từ năm 2018, tuy là một bác sĩ còn rất trẻ nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nghề và yêu thương người bệnh, bác sĩ Nguyễn Bình Phong rất nhiệt tình với công việc, luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, được mọi người yêu quý, tín nhiệm”, bác sĩ Lâm Ngọc Phước nhận xét về người đồng nghiệp của mình.