Trước việc nhiều người tái nhiễm Covid-19 sau thời gian khỏi bệnh, các bác sĩ đã đưa ra những đánh giá về nguyên nhân của sự việc này.
- Ngày 26/2, Hà Nội lập đỉnh dịch mới, vượt mức 10.000 ca mắc, quận Long Biên dẫn đầu với hơn 500 ca bệnh
- 10 thói quen hàng ngày có thể gây hại cho thận mà nhiều người vẫn vô tư làm
Cách đây 1 tháng chị P.T.T (quận Bắc Từ Liêm Hà Nội) dương tính với SARS-CoV-2. Tưởng chừng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh, cơ thể chị sẽ miễn dịch với Covid, tuy nhiên ngày 23/2, chị T bất ngờ khi mình bị tái nhiễm Covid-19.
“Nếu lần trước, mình không ho, chỉ sốt 1-2 ngày rồi dứt, thì lần thứ 2 này "nặng nề" hơn. Mình đau rát họng, sổ mũi và rất khó thở. Chính bản thân mình cũng không nghĩ lại bị mắc Covid-19 thêm lần nữa”, chị T. chia sẻ.
Tương tự như chị T., anh N.Đ.V (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, lần 1 anh phát hiện nhiễm Covid qua test nhanh ngày 29/11/2021 và đã cách ly, điều trị âm tính vào ngày 13/12/2021.
"Ở lần nhiễm đầu triệu chứng sốt 37 độ, rát họng và ho theo cơn. Sau khi âm tính trở lại di chứng kéo dài cả tháng là ho khan, hụt hơi và người nhanh mệt. Quá trình điều trị tôi có dùng Molnupiravir, thuốc hạ sốt Paracetamol, vitamin C, thuốc ho long đờm. Tới 24/2/2022, tôi phát hiện mình tái dương tính, triệu chứng như lần 1. Sốt trên 37 độ, ho khan theo cơn, rát họng và sổ mũi", anh V. chia sẻ.
Theo anh V., sau lần tái nhiễm này anh thấy bình thường không quá lo lắng như lần 1 và hiện vẫn làm việc online, cách ly tại nhà để không lây nhiễm cho người khác.
Tái nhiễm Covid-19 là gì, khác gì tái dương tính?
Theo các chuyên gia, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian vẫn bị mắc lại bệnh đó.
Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19, đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus, sau đó bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại. Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene. Nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.
Trong khi đó, tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, nhưng lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó. Đây là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền hay xác virus chết.
Vì sao lại tái nhiễm Covid-19 sau khi đã khỏi bệnh?
Liên quan đến trường hợp nhiều người tái nhiễm Covid-19, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, có lác đác trường hợp tái nhiễm nhưng không quá nhiều.
"Cụ thể như có người trước Tết âm lịch nhiễm 1 lần sau nhiễm lại, có người trong vòng 1 tháng, có người tái nhiễm sau vài tháng… Trước đây nhiều người nhiễm chủng Delta, giờ phổ biến chủng mới Omicron, hai chủng khác nhau có miễn dịch một chút tuy nhiên không phải hoàn toàn, biến chủng liên tục thay hình đổi dạng, thay tính chất miễn dịch cơ thể không nhận diện được vẫn bị nhiễm lại", PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0, 5 - 10% trong số đó đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 3 tuần đến một tháng. Bác sĩ nhận định, các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến chủng mới.
Bên cạnh đó, một giả thiết được bác sĩ Hoàng đưa ra là có thể lần xét nghiệm âm tính đầu tiên, bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn hoặc có thể lúc này SARS-CoV-2 không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng ở sâu trong phổi vẫn còn.
Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến virus vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính. Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu.
"Để chắc chắn là tái nhiễm, cần giải trình tự gen virus. Nếu gen virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gen hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm", bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin, nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm thì khả năng mắc chủng Omicron.
"Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng nhẹ hơn", bác sĩ Khanh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh sau khỏi Covid-19 không nên chủ quan, các chủng khác nhau sẽ có thể lây nhiễm, người đã tiêm vaccine hay đã bị nhiễm vẫn phải thực hiện tốt 5K để đảm bảo mình không bị nhiễm và không phải trung gian lây nhiễm cho người khác. Những ai chưa tiêm vaccine nên tiêm đủ theo khuyến cáo.