Vị bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo, trong mùa nắng nóng có 1 thứ rất dễ nhiễm khuẩn đó là: Các loại mắm, đặc biệt là mắm ruốc, mắm tôm.
2 ngày hôm nay (2-3/5), thông tin hàng trăm người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đang gây xôn xao. Theo lãnh đạo UBND TP Long Khánh, tính đến 12h ngày 3/5 đã có 473 bệnh nhân nhập viện điều trị.
Theo ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn >dinh dưỡng), nguyên nhân gây ngộ độc tập thể cho gần 500 người ăn bánh mì ở Đồng Nai khả năng cao liên quan đến vi sinh vật.
"Ngộ độc thực phẩm có thể đến từ nhiều nguyên nhân, do ngộ độc hóa chất, ngộ độc do vi sinh vật... Với sự việc vài trăm người ngộ độc sau khi ăn bánh mì thì tôi cho rằng nghiêng về vi sinh vật nhiều hơn. Đối với bánh mì, có một số nguyên liệu có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn, đáng nghi ngờ nhất là pate", ThS BS Đặng Ngọc Hùng cho hay.
Vị bác sĩ dinh dưỡng cũng cảnh báo thêm rằng, trong mùa nắng nóng có 1 thứ rất dễ nhiễm khuẩn đó là: Các loại mắm, đặc biệt là mắm ruốc, mắm tôm.
"Mắm là thứ rất dễ nhiễm vi khuẩn. Do đó, mọi người khi mua mắm cần lựa chọn các loại có nguồn gốc rõ ràng, nên hạn chế ăn mắm tại các quán vỉa hè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", ThS BS Đặng Ngọc Hùng nói.
Thực tế, vào tháng 11/2022, vụ> ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang đã khiến cho hơn 600 học sinh phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 bé tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ngoài mẫu cánh gà chiên thì các chuyên gia còn phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu "nước mắm" tại khẩu phần ăn hôm ấy.
Bàn về khả năng nhiễm khuẩn của các loại mắm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay: "Mắm là loại thực phẩm chứa lượng muối cao, do đó vi sinh vật gần như không thể tồn tại được. Nếu được sản xuất đúng quy trình thì nó là là thực phẩm rất sạch".
Tuy nhiên, nước mắm có thể bị nhiễm khuẩn vì hai lý do. Thứ nhất, nước mắm được mang đi pha chế cùng các loại nguyên liệu khác để giảm độ mặn. Lúc này nếu như người đầu bếp không vệ sinh sạch sẽ tay và dụng cụ nấu ăn thì có thể làm lây lan vi sinh vật vào nước mắm. Thứ hai, có thể do việc để nước mắm quá lâu trong môi trường mà không che đậy, hoặc dùng đi dùng lại bát nước mắm cũ... nên tạo điều kiện để vi sinh vật xuất hiện.
Còn về mắm tôm, mắm ruốc... PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, các loại mắm này rất dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến. Nhất là các loại mắm không có quy trình sản xuất, bảo quản an toàn, sạch sẽ... Ngoài ra, khi mắm tôm, mắm tép đã được pha chế cùng nước hay đường/quất thì phải sử dụng ngay, nếu để lâu sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Thời tiết nắng nóng là môi trường khiến vi khuẩn sinh sôi mạnh, khiến các loại mắm có nguy cơ bị hỏng nhiều hơn.
Vị chuyên gia cho biết, nếu phát hiện bất cứ thực phẩm nào, bao gồm nước mắm, mắm tôm... bị ô nhiễm, có màu sắc, mùi vị lạ thì nên loại bỏ ngay, tuyệt đối không được sử dụng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Mọi người nên lựa chọn sử dụng mắm tôm, nước mắm ở các cơ sở sản xuất trong nước có nhãn mác, có cơ sở sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, khuyến cáo trẻ em dưới một tuổi, người mắc bệnh thận, bệnh tim, bệnh nhân tiểu đường... không nên sử dụng các loại mắm. Hoặc khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ về hàm lượng cho phép.
Sau khi ăn, nếu các gia đình xuất hiện triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn liên tục, đại tiện nhiều lần, cảm thấy da khô, khát nước nhiều… thì cần liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất.