Đó là trường hợp của bệnh nhân T.T.N.A (24 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định nhưng sinh sống và làm việc tại tỉnh Bạc Liêu) vừa được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cứu sống trong tình trạng nguy kịch, không kịp thời gian để chuyển lên tuyến trên nhờ vào kỹ thuật V-A ECMO.
BS Mạch Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng cho biết: Bệnh nhân nhập viện tại một Bệnh viện Thanh Vũ Bạc Liêu với các triệu chứng sốt, cảm và được chẩn đoán là nhiễm siêu vi. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân đột nhiên diễn biến xấu, cảm thấy khó thở, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp phải đặt khí quản và thở máy với chẩn đoán Suy hô hấp/ Choáng tim do viêm cơ tim cấp tính.
Bệnh viện Thanh Vũ đã lập tức hội chẩn với tuyến trên và xin được chuyển tuyến cho bệnh nhân. Nhưng qua đánh giá tình trạng, nếu đi một quãng đường xa sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Khi biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc trong làm chủ kỹ thuật ECMO, cứu sống được nhiều trường hợp thập tử nhất sinh, nên đơn vị này đã liên hệ xin chuyển bệnh và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đồng ý ngay lập tức.
Khi bệnh nhân trên đường chuyển viện, ekip thực hiện kỹ thuật ECMO do BS Mạch Văn Quang – Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu và Chống độc điều hành đã được tập hợp và đón bệnh nhân ngay tại Khoa Cấp cứu Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
Đến nơi, tình trạng của bệnh nhân đã rất nguy kịch: hôn mê, da niêm nhợt nhạt, không đo được huyết áp, choáng nặng, nhịp tim chậm xen kẽ với những đợt nhanh thất, rung thất và ngưng tuần hoàn, điện tim Block AV độ III.
Xác định đây trường hợp rất nặng, BS.CKII Đặng Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo phối hợp nhiều chuyên khoa, tập trung cứu sống bệnh nhân. Sau khi cấp cứu ban đầu, hồi sức tim, phổi tại Khoa Cấp cứu Tổng hợp, bệnh nhân được tiếp tục vừa hồi sức, vừa chuyển đến Khoa Tim mạch để tiến hành chụp mạch vành nhằm loại trừ bệnh nhồi máu cơ tim cấp, rồi nhanh chóng chuyển đến Khoa Hồi sức Cấp cứu và Chống độc để tiến hành kỹ thuật ECMO.
Do tình trạng bệnh nhân nặng, tim rối loạn nhịp liên tục nên ekip đã phải vận hành xuyên đêm, tất cả các vị trí đều trong tình trạng khẩn cấp. Sau đó, tình trạng dần được kiểm soát tốt. Đến ngày thứ hai vận hành ECMO, bệnh nhân cải thiện tốt, ngưng thuốc vận mạch, ngưng thở máy.
Hiện tại, ngày thứ năm kể từ lúc nhập viện, bệnh nhân đã được ngưng ECMO, tỉnh táo và dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.