Virus Marburg (vật chủ từ một loại dơi) đang được xem là virus gây ra căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan khiến 9 người tử vong và thêm 2 ca nghi nhiễm.
Theo VietNamNet, đã phát hiện hai trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg tại Olamze, vùng gần với Guinea Xích Đạo. Trước đó, Guinea Xích Đạo tuyên bố đợt bùng phát đầu tiên của virus Marburg, căn bệnh tương tự Ebola, vào ngày 13/12. Hai bệnh nhân đều 16 tuổi, một nam và một nữ, chưa từng đến các khu vực có người bị bệnh. Ngoài ra, còn có 42 người tiếp xúc với 2 bệnh nhân trên đã được xác định danh tính.
Quốc gia kề cận này đã hạn chế di chuyển dọc biên giới nước này để tránh lây nhiễm.
>Virus Marburg gây ra >bệnh truyền nhiễm cao có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 88%, tùy thuộc vào chủng virus và khả năng kiểm soát lây truyền của từng nước. Virus lây lan qua tiếp xúc giữa người với người, qua vết thương trên da, niêm mạc của mắt, mũi và miệng. Virus cũng có thể lây truyền qua máu hoặc chất dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối và tinh dịch) của người bệnh.
Theo Lao Động, trước tình trạng khẩn cấp, các đại biểu tham dự cuộc họp của WHO đã thảo luận về 5 ứng cử viên vaccine phòng ngừa virus Marburg trong các nghiên cứu trên động vật. Ba hãng sản xuất vaccine - Janssen Pharmaceuticals, Public Health Vaccines và Sabin Vaccine Institute - cho biết có thể cung cấp vaccine để thử nghiệm trong đợt bùng phát hiện tại.
Vaccine của Janssen và Sabin đã trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Public Health Vaccines gần đây được phát hiện có khả năng bảo vệ chống lại virus ở khỉ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã cho phép thử nghiệm trên người.
WHO cho biết bước tiếp theo sẽ là triệu tập một nhóm các chuyên gia độc lập để lựa chọn ứng cử viên vaccine ưu tiên. WHO sẽ làm việc với các bác sĩ lâm sàng và quan chức y tế ở Guinea Xích đạo để xác định cách thức thử nghiệm.
Phương pháp điều trị
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành Phố Hồ Chí Minh, hiện nay, chưa có một loại vaccine hay phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi dứt điểm cho bệnh nhân bị nhiễm loại virus chết người này. Tuy nhiên, các phương pháp hỗ trợ tích cực có thể cải thiện khả năng sống cho bệnh nhân bao gồm bù nước thông qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, theo dõi và duy trì nồng độ oxy trong máu, sử dụng các liệu pháp điều trị bằng thuốc để giảm triệu chứng ngay ở thời điểm khởi phát.
Một số phương pháp điều trị bệnh đang được thử nghiệm trên cơ thể động vật nhưng chưa từng được áp dụng lên cơ thể người. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh đặc hiệu bằng cách phát triển kháng thể đơn dòng - protein hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể làm việc tốt hơn khi có sự xâm nhập và tấn công của virus.
Điều quan trọng nhất với những trường hợp khi phát hiện bị nhiễm virus là giữ bình tĩnh, chủ động cách ly với những người xung quanh và khai báo với cơ quan y tế để được hướng dẫn. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo những chỉ dẫn và liệu trình điều trị của cơ quan y tế để kịp thời khống chế và kiểm soát bệnh cũng như khả năng lây lan một cách hiệu quả.
Hiện nay, cơ quan y tế Ghana đã khuyến cáo người dân tránh xa các mỏ và hang động nơi có dơi ăn quả sinh sống. Đồng thời, nấu chín thật kỹ tất cả các loại thịt trước khi ăn để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã gửi các thiết bị bảo vệ cá nhân, tăng cường giám sát dịch bệnh và truy vết các mối liên quan để ứng phó với những trường hợp cần thiết.
Chính vì mức độ nguy hiểm cao của Virus Marburg có thể gây ra đối với con người mà bất kể ai cũng nên chủ động tìm hiểu về bệnh cũng như phương pháp bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Mặc dù hiện nay, bệnh do loại virus chết người này gây ra vẫn chưa chính thức công bố thành dịch và vẫn còn đang trong tình trạng kiểm soát nhưng cũng không thể chủ quan vì vẫn có nguy cơ lây lan tiềm ẩn.
Theo VietNamNet, việc chăm sóc hỗ trợ sớm, bù nước và điều trị triệu chứng giúp cải thiện tình trạng, tăng cơ hội sống sót. Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc xin và một loạt các liệu pháp để điều trị bệnh bằng thuốc, sản phẩm máu, miễn dịch.