Người sống thọ không chỉ bộc lộ bằng các chỉ số mà còn thể hiện ngay qua các đặc điểm bên ngoài có thể quan sát được hàng ngày.
Tuổi thọ luôn là vấn đề được con người quan tâm. Ngày nay, con người thông qua các phương thức chăm sóc >sức khỏe để đạt mục tiêu trường thọ. Tuy nhiên theo nghiên cứu những >người sống thọ thường có một số những đặc điểm chung đó là “1 nhanh, 2 nhỏ, 3 lớn”.
"1 nhanh": Nhanh đi vào giấc ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi tái tạo năng lượng cho các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Chu kỳ ngủ - thức của con người được quy định bởi một đồng hồ sinh học trong bộ não, nó luôn cân bằng thời gian ngủ và thức của cơ thể con người.
Chính vì vậy, để trở thành người sống thọ cần chú tâm vào việc chăm sóc cho giấc ngủ của bản thân. Người đi vào giấc ngủ nhanh, chứng tỏ tim, gan và sự chuyển hóa trong cơ thể đều rất khỏe mạnh, đồng thời trạng thái tinh thần cũng ở mức lý tưởng vì tâm phiền sẽ gây trằn trọc khi ngủ.
"2 nhỏ" ở người sống thọ
Cổ nhỏ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có cổ càng dày càng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Trong trường hợp bình thường, nếu chu vi cổ ở nữ vượt quá 35cm và ở nam vượt quá 38cm, chứng tỏ cổ tương đối to.
Cổ to còn cảnh báo mọi người nên cảnh giác với chứng bướu cổ, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ…
Tần suất nhịp tim nhỏ
Đối với người khỏe mạnh, nhịp tim trung bình vào khoảng 60 - 100 lần mỗi phút. Theo một số khảo sát đã phát hiện ra rằng khi nhịp tim của một người khoảng 70 nhịp/phút, tuổi thọ có thể đạt tới 80 tuổi và khi nhịp tim giảm xuống còn 60 nhịp/phút, theo lý thuyết, người này có thể sống lâu hơn 13 năm, tức là khoảng 93 tuổi.
Nhịp tim chậm cũng thường thấy ở những người thực hành thiền định, khi đó mức chuyển hóa năng lượng của họ giảm xuống mức tối thiểu nên có thể kéo dài thọ mệnh. Trong khi đó, nhịp tim tăng lên khi chúng ta phải gắng sức làm việc, đối mặt với nhiều áp lực tâm lý.
"3 lớn" ở lực tay, phổi và tâm hồn
Lực nắm tay lớn
Nghiên cứu Quốc tế về Dịch tễ học Thành thị và Nông thôn Triển vọng (PURE) đăng tải trên tạp chí The Lancet cho thấy lực cầm nắm là một yếu tố giúp đánh giá nguy cơ tử vong và bệnh tim mạch tốt hơn cả đo huyết áp.
Theo đó, cứ giảm 5kg sức mạnh cầm nắm của tay sẽ làm gia tăng 17% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, tăng 7% nguy cơ hình thành cơn đau tim và tăng 9% nguy cơ đột quỵ. Các nhà nghiên cứu cho rằng sức mạnh cơ bắp yếu sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh mạn tính cao hơn so với những người có sức mạnh cơ bắp tốt.
Dung tích phổi lớn
Dung tích phổi thể hiện sức mạnh của khả năng cung cấp oxy cho cơ thể. Người có dung tích phổi lớn thì khả năng nạp oxy và thải khí CO2 càng mạnh, chức năng tim phổi càng tốt, hạn chế các bệnh tuổi già và có nền tảng thể lực dẻo dai hơn.
Thời gian nín thở dài ngắn, có thể phản ánh dung tích phổi của một người lớn hay nhỏ. Bình thường, khi nín thở khoảng 30 giây, chứng tỏ sức khỏe tốt và càng sống lâu.
Nếu như tuổi tác, hút thuốc, ô nhiễm khiến phổi hoạt động kém hiệu quả, các bài tập thực hành thở, thể dục như bơi lội, đạp xe hoặc hỗ trợ từ bác sĩ có thể giúp tăng dung tích phổi, giảm khó thở và giữ hơi thở lâu hơn.
Tấm lòng rộng lớn
Không chỉ các đặc điểm về thể chất mới tác động đến tuổi thọ mà các vấn đề tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Thời gian dài tức giận sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, những người này sẽ rất dễ gây ra các bệnh về tim mạch.
Người sống thọ là người biết cách giữ tâm trạng tốt, giúp tăng cường khả năng hệ miễn dịch và ngăn ngừa ung thư ở mức độ nhất định.