Bé gái (13 tuổi, Phú Thọ), được chẩn đoán là dị ứng thực phẩm, rơi vào tình trạng hôn mê, khó thở dẫn đến nguy kịch và được điều trị theo phác đồ chống sốc phản vệ.
Cụ thể, bé gái được gia đình kể lại với bác sĩ đã ăn thực phẩm tôm và cua trước khi xảy ra tình trạng trên. Theo thông tin từ Tiền phong, sau ăn khoảng 1,5 tiếng bệnh nhân xuất hiện mẩn ngứa ít, đi ngoài số lượng ít, tự uống 2 viên Loperamide nhưng không đỡ, sau đó bé bị mẩn ngứa lan rộng toàn thân, lơ mơ gọi hỏi không trả lời, đại tiểu tiện không tự chủ.
Bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, nổi ban toàn thân (ban dị ứng), phù quincke mắt, nghe có co thắt vùng khí quản, thở rít, M 90l/ph, HA 110/70mmHg được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, thuốc Adrenalin, methylpresnison, kháng histamin, tạm thời qua cơn nguy kịch.
Theo báo Sức khỏe và >đời sống, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm có ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Chúng có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Dị nguyên được xem là yếu tố khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác.
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút. có thể ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và diễn biến nặng lên rất nhanh, không theo tuần tự mức độ bệnh. Đa số trường hợp chỉ gặp triệu chứng thông thường như: da ngứa hoặc phát ban; miệng ngứa, họng, khó nuốt hoặc môi và lưỡi sưng; chảy nước mũi, hắt hơi; chân tay sưng; ho; nôn mửa nhiều; chuột rút hoặc tiêu chảy.
Các bác sĩ khuyến cáo dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu. Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân bị sốc phản vệ là 30 phút, nếu kéo dài dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.