Nghiên cứu này còn chỉ ra thời gian thích hợp nhất để tập thể dục trong ngày có lợi trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin.

07:03 11/11/2023

Tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt là với những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Nghiên cứu của ĐH Rutgers (Mỹ) được công bố trên Tạp chí Y học Mỹ đã phân tích những ảnh hưởng tích cực của tập thể dục với đường huyết, tập trung làm rõ các yếu tố: bài tập và thời gian tối ưu, nên tập thể dục trước hay sau bữa ăn và liệu có cần giảm cân không.‏

‏Phó giáo sư Steven Malin, khoa Vận động và Sức khỏe ĐH Rutgers và các cộng sự đã sàng lọc hàng chục nghiên cứu và đưa ra những kết luận chung. Theo các nhà khoa học Mỹ, việc vận động cả ngày, chia nhỏ thời gian ngồi liên tục sẽ có lợi trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và mức insulin. Đi bộ ngăn hoặc giãn cơ đều mang lại tác động tích cực. 

‏Nghiên cứu cũng chỉ ra thời gian tập luyện tối ưu để cải thiện độ nhạy insulin, giảm lượng huyết sắc tố glycated là vào chiều tối muộn trong ngày. Độ nhạy insulin cao sẽ giúp các tế bào của cơ thể sử dụng đường huyết hiệu quả hơn, giảm lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu ĐH Rutgers chỉ ra 2 bài tập tốt nhất cho người đang muốn kiểm soát đường huyết:‏

‏Đầu tiên là các hoạt động thể chất tăng nhịp tim như đạp xe, aerobics, bơi lội và đi bộ, tăng cường sử dụng oxy trong cơ thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Trường ĐH Y học Hoa Kỳ và Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đều khuyến nghị nên tập thể dục tăng nhịp tim với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc tập cường độ mạnh 75 phút mỗi tuần. Các bài tập này còn có tác dụng kiểm soát cân nặng, tốt cho >tim mạch và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính khác như ung thư.

Thứ hai là các bài tập kháng lực - hình thức tập thể dục sử dụng một số dụng cụ có tính kháng lực như tạ, dây kháng lực để tăng sức mạnh và sức bền cơ bắp. Bài tập này có thể cải thiện mật độ xương, huyết áp, mỡ máu và có lợi cho độ nhạy insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Có nhiều bài tập kháng lực không cần dụng cụ như hít đất, gập bụng, plank… Với các bài tập kháng lực, bạn có thể tập tại nhà từ 2-3 lần/tuần, không nên thực hiện liên tục hàng ngày.‏

‏Theo PGS Steven Malin, bất kỳ bài tập vận động nào cũng mang lại hiệu quả, có thể kết hợp cả 2 bài tập trên để đem lại kết quả tốt hơn. "Để kiểm soát lượng đường trong máu, chúng tôi nhận thấy tập thể dục vào buổi chiều và sau bữa ăn sẽ giúp ích hơn so với vận động vào buổi sáng và trước bữa ăn. Bạn không cần giảm cân mới thấy được lợi ích của việc tập thể dục với đường huyết, vì các bài tập có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể và làm tăng khối lượng cơ bắp", PGS Steven Malin cho biết.‏

‏Phó giáo sư này và các giảng viên khác ủng hộ khái niệm "tập thể dục giống như một loại thuốc". Ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết, việc vận động thường xuyên còn được chứng minh cải thiện chứng lo âu và trầm cảm, giảm căng thẳng tinh thần, cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2.‏

Trước đó, một nghiên cứu chung của ĐH Giao thông Thượng Hải, ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung và ĐH Sydney (Úc) đã phân tích gần 60.000 người đã phân tích mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kết quả cho thấy tập thể dục từ 5-26 phút/ngày có thể giảm 37% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thời gian tập càng nhiều càng có tác dụng ngăn ngừa tiểu đường, nếu tập hơn 68 phút/ngày còn làm giảm 74% nguy cơ mắc căn bệnh mãn tính này.‏

‏Với những người mắc bệnh tiểu đường, bên cạnh việc xây dựng thói quen tập thể dục cũng cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, có chế độ ăn uống lành mạnh nhiều chất xơ, tránh các thực phẩm quá nhiều đường, nhiều gia vị, chiên rán và tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước và hạn chế căng thẳng cũng giúp tránh lượng đường trong máu tăng cao. 

Theo Healthshot

Theo Tổ Quốc