Khi phải lội hay ngâm chân quá lâu trong nước ngập úng có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng hơn với làn da, làm tăng nguy cơ mắc những bệnh lý về da.

Lan Chi (t/h) 05:00 01/08/2024

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở Hà Nội đã xảy ra mưa trên diện rộng trong những ngày gần đây. Lượng mưa lớn kéo dài, nước chưa kịp thoát dẫn đến ngập úng cục bộ ở nhiều tuyến đường của Hà Nội. Việc ngập úng tại nhiều tuyến đường khiến giao thông và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ vậy, việc người dân phải lội nước liên tục khi di chuyển trong những ngày này đã khiến không ít người xuất hiện những triệu chứng >bệnh ngoài da.

Chị Hải (30 tuổi, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) đã phải "bì bõm" trong nước ngập 2 ngày nay mỗi khi đi làm và trở về nhà, khiến đôi bàn chân của chị xuất hiện nhiều biểu hiện ngứa ngáy, vô cùng khó chịu.

Không chỉ chị Hải, rất nhiều người dân Hà Nội trong 2 ngày gần đây đều phải đứng chờ dưới mưa lạnh, ngâm xe và chân trong nước ngập. Không ít người sau khi trở về đến nhà lại phải dắt xe đi sửa và đồng thời đi khám bác sĩ vì mắc bệnh ngoài da.

Ảnh minh họa: Internet

Theo Ths.BSCK II Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam chia sẻ trên báo Tri thức và Cuộc sống, khi cơ thể hoặc một bộ phận cơ thể nào đó ngâm dưới nước trong thời gian lâu đều sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm liên kết của các tế bào sừng, dấu hiệu nhận biết dễ nhất là da nhăn nheo, dễ bị tổn thương.

Đặc biệt, khi phải lội hay ngâm chân quá lâu trong nước ngập úng có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng hơn với làn da. Nguyên nhân là do, nước ngập úng thường rất bẩn, khi kết hợp nước mưa và nước thải sinh hoạt khiến tình trạng viêm nhiễm, tổn thương nặng nề hơn, Ths.BSCK II Nguyễn Tiến Thành chia sẻ. 

Ảnh minh họa: Internet

Do vậy, Ths.BSCK II Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo, để phòng bệnh, tốt nhất hãy tránh xa nguồn nước bẩn, khi đi qua vùng nước bẩn hãy dùng thuyền, bè hoặc dụng cụ như ủng, quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc với nước. Nếu không may bị tiếp xúc với nước thì cần rửa chân tay, nơi tiếp xúc bằng nước sạch, với xà phòng dịu nhẹ. Tuyệt đối không sử dụng xà phòng giặt để rửa lại chân tay, hoặc ngâm chân tay vào nước muối, nước lá cây với mục đích giảm ngứa, viêm. Cách tốt nhất là nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ để rửa với nước sạch, sau đó bôi dưỡng ẩm trong 2-3 ngày. Nếu triệu chứng không giảm, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ kê đơn, tránh tình trạng da bị bội nhiễm.

Theo chuyên gia, trường hợp bị ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước khó chịu, người dân cũng tuyệt đối không cào gãi, hay dùng kim đâm vỡ mụn nước, tạo thành vết thương hở. Việc này sẽ khiến tổn thương lan rộng, gây bội nhiễm, khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Lan Chi (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe