Triệu chứng suy nhược cơ thể biểu hiện khá rõ rệt nhưng nhiều người không để ý, tình trạng ngày càng có chiều hướng tăng lên trong xã hội hiện nay. Nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé! 

Hồng Anh 14:51 25/02/2020

1. Suy nhược cơ thể có nguy hiểm không?

Suy nhược cơ thể là rối loạn phức tạp, có đặc trưng là trạng thái mệt mỏi cực độ kéo dài mà bác sĩ không thể chẩn đoán bằng bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào. Cảm giác mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn khi bạn tham gia các hoạt động thể chất hoặc tinh thần thậm chí không được cải thiện khi nghỉ ngơi.

Suy nhược cơ thể là bệnh lý thường gặp ở người trẻ trong xã hội hiện đại - Ảnh minh họa: Internet

Cơ thể bị suy nhược trong thời gian ngắn sẽ khó cảm nhận được rõ rệt ảnh hưởng của nó, vì vậy nhiều người cho rằng bệnh này không đáng lo ngại và chỉ là mệt mỏi thông thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng suy nhược kéo dài và nặng thì người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực như:

  • Suy giảm trí nhớ: Cơ thể mệt mỏi kéo dài sẽ làm tổn thương hệ thần kinh. Do đó người bệnh thường lơ đãng, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến công việc và học tập.
  • Không tập trung: Người bị suy nhược thường có cảm giác lo lắng, bồn chồn, nghĩ thái quá và bất an, dẫn đến khả năng tập trung suy giảm đáng kể.
  • Rối loạn cảm xúc: Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài khiến người bệnh không làm chủ cảm xúc và hành vi của bản thân. Tình trạng này có thể gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
  • Rối loạn giấc ngủ: Đa phần bệnh nhân bị suy nhược đều gặp khó khăn khi ngủ, đặc biệt là mất ngủ triền miên. Do vậy cơ thể kém linh hoạt, >sức khỏe suy kiệt, ảnh hưởng đến hệ thần kinh…
  • Bệnh tim mạch: Cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi khiến hệ thần kinh giao cảm phải hoạt động nhiều hơn. Do đó nhiều mạch máu bị co lại, huyết áp tăng lên thúc đẩy các bệnh lý tim mạch.

Tình trạng suy nhược kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy cần phải thay đổi nhận thức về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, tìm hiểu kỹ càng hơn để có biện pháp phòng ngừa và xử lý sớm.

Tình trạng suy nhược kéo dài dẫn đến những bệnh lý khác nghiêm trọng hơn - Ảnh minh họa: Internet

*Nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, xuống sức

Hiện nay có nhiều nguyên nhân gây >suy nhược cơ thể như:

  • Căng thẳng kéo dài
  • Vận động quá sức
  • Cơ thể thiếu hụt >dinh dưỡng
  • Nhiễm virus như Epstein-Barr, virus herpes 6, rubella…
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Thay đổi nồng độ hormon vùng dưới đồi – tuyến thượng thận – tuyến yên…
  • Mắc các tình trạng sức khỏe: Thiếu máu, hạ đường huyết, nhiễm trùng toàn thân, lupus hoặc viêm khớp dạng thấp…
  • Cơ thể bị sau sinh, sau phẫu thuật.
  • Độ tuổi: Những bệnh nhân từ 40 – 50 tuổi hoặc người già có nguy cơ bị suy nhược cao hơn.
  • Do di truyền

Ngoài những nguyên nhân cụ thể kể trên, đa phần người bệnh bị suy nhược mà không rõ căn nguyên hoặc nguyên nhân không rõ ràng.

2. Những triệu chứng suy nhược cơ thể

Người bệnh có thể sớm phát hiện tình trạng cơ thể thông qua những triệu chứng thường gặp sau: 

  • Đau nhức cơ thể: Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài sẽ khiến toàn thân xuất hiện các cơn đau, tạo cảm giác uể oải, nhức mỏi. Kể cả khi đã nghỉ ngơi thì cơn đau nhức vẫn không biến mất mà còn có thể trở nên trầm trọng hơn.
  • Cảm giác kiệt sức: Khi bị suy nhược, cơ thể không còn năng lượng để duy trì hoạt động đối với cơ bắp và trí não. Người bệnh có cảm giác cơ thể kiệt sức, chóng mặt, hoa mắt, khó chịu, tê bì tay chân…, không còn năng nổ, hoạt bát và không hứng thú, quan tâm đến các hoạt động xung quanh.
  • Rối loạn giấc ngủ: Đây là triệu chứng suy nhược cơ thể thường thấy. Giấc ngủ và tình trạng suy nhược của cơ thể có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi cơ thể suy nhược, hệ thần kinh bị tác động khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. Bạn thường sẽ ngủ không ngon, thường mơ thấy ác mộng, thậm chí mất ngủ thường xuyên. Khi đó sức khỏe giảm sút thêm, không còn năng lượng để phục hồi.
Rối loại giấc ngủ là triệu chứng hay gặp nhất ở người bị suy nhược - Ảnh minh họa: Internet
  • Xuất hiện các vấn đề về da: Suy nhược cơ thể khiến da không được cung cấp đủ khoáng chất, vitamin. Da sẽ gặp tình trạng nhiều nếp nhăn, xanh xao, xuống sắc, da môi bong tróc. Ngoài ra, suy nhược cơ thể còn liên quan đến tình trạng rối loạn hormone. Vì vậy da người bệnh có thể nổi nhiều mụn, sạm màu.
  • Tụt cân không kiểm soát: Người bị suy nhược thường bị chán ăn, ăn không ngon. Bên cạnh đó hoạt động của hệ tiêu hóa cũng trở nên kém hơn, chất dinh dưỡng không được hấp thụ đầy đủ. Do vậy sụt nhanh chóng cũng là dấu hiệu chẩn đoán suy nhược cơ thể.
  • Đau đầu: Suy nhược cơ thể khiến khí huyết suy giảm, máu lưu thông lên não kém hơn. Do vậy hệ thần kinh và não bộ bị tác động. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó tập trung…
  • Gặp các vấn đề về tiêu hóa: Khi năng lượng của cơ thể bị suy giảm, sự phối hợp giữa các bộ phận trong hệ tiêu hóa cũng trở nên kém hơn. Do vậy người bệnh thường có các biểu hiện như táo bón, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy…

*Chẩn đoán suy nhược cơ thể

Hiện nay chưa có một xét nghiệm nào có thể thực hiện để xác định tình trạng, mức độ và nguyên nhân gây ra suy nhược. Bởi vì các triệu chứng bệnh rất tương đồng với những vấn đề sức khỏe khác. Bác sĩ thường dựa vào việc loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn để chẩn đoán căn bệnh như sau:

  • Trạng thái mệt mỏi kéo dài liên tục từ 6 tháng trở lên.
  • Người bệnh có ít nhất 4 triệu chứng suy nhược cơ thể được liệt kê ở trên.
  • Các kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân không mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nào.

Những triệu chứng suy nhược kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống. Hiện nay điều trị suy nhược cơ thể chưa có phương pháp cụ thể. Bởi mỗi bệnh nhân thường có các biểu hiện riêng và nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Nhưng nhìn chung mục tiêu điều trị vẫn là giảm tình trạng mệt mỏi, hồi phục sức khỏe và tinh thần cho người bệnh.

3. Một số phương pháp điều trị suy nhược

3.1. Suy nhược cơ thể uống thuốc gì?

Nếu tình trạng suy nhược nặng và kéo dài, người bệnh có thể cần được bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc điều trị. Các loại thuốc được sử dụng có thể là: Thuốc giảm đau đầu, đau cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần…

Một số loại thuốc được bác sĩ khuyên dùng để làm giảm tạm thời các triệu chứng - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên những loại thuốc này chỉ có tác dụng giảm tạm thời các triệu chứng, không có khả năng điều trị. Nếu không nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì cơ thể vẫn sẽ bị phụ thuộc, suy yếu sau khi ngừng thuốc hoặc nhờn thuốc, dẫn đến một vài biến chứng khác.

3.2. Xây dựng lối sống khoa học

Tình trạng cơ thể bị suy nhược hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu người bệnh có lối sống lành mạnh, khoa học. 

  • Tập luyện thể dục thường xuyên: Mỗi ngày nên dành 30 phút để rèn luyện cơ thể, giúp tinh thần sảng khoái, tăng cường trao đổi chất, giảm mệt mỏi. Các bài tập tốt cho người bị suy nhược là yoga, chạy bộ, ngồi thiền, đạp xe, thiền…
Thiền giúp thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng - Ảnh minh họa: Internet
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Thiết lập thời gian nghỉ ngơi và làm việc phù hợp. Bệnh nhân nên ngủ sớm, ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày.
  • Bồi bổ cơ thể: xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng giữa trái cây, rau xanh, đạm và các khoáng chất để giúp cơ thể hồi phục tốt hơn.
  • Tham gia các hoạt động tập thể, ngoài trời, tăng cường trò chuyện với mọi người.

3.3. Cơ thể bị suy nhược nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phục hồi của cơ thể. Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng quốc gia, hai loại vitamin cho người suy nhược cơ thể là vitamin C và vitamin B.

Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, tăng cường sự bền vững của mạch máu. Vitamin B lại đóng vai trò đối với trao đổi chất của tế bào, cung cấp năng lượng, tăng cường sức đề kháng, cải thiện chức năng hệ thần kinh. Có thể bổ sung các loại vitamin này qua chế độ ăn uống như sau:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Có trong rau, củ quả đặc biệt là ổi, trái cây họ cam, nho, dâu tây, kiwi, bông cải xanh, rau bina….
  • Thực phẩm giàu vitamin B: Khoai tây, đậu lăng, các loại đậu, các loại hạt, ngũ cốc, yến mạch, trứng, nước ép cà chua, cá ngừ, chuối…
  • Hoặc sử dụng thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ
Ăn uống lành mạnh và khoa học làm giảm các triệu chứng suy nhược cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, người bệnh nên bổ sung thêm các loại thực phẩm sau:

  • Món ăn dạng lỏng nhiều dinh dưỡng
  • Chất béo lành mạnh: Các loại dầu thực vật (dầu oliu, dầu mè, dầu nành…) sẽ cung cấp nhiều calo, omega 3.
  • Protein: Protein giúp cung cấp acid amin cho cơ thể. Người bệnh có thể bổ sung protein từ cá hồi, sữa, thịt lợn, thịt bò, trái cây khô, quả óc chó, đậu…
  • Tinh bột: Tinh bột giúp cung cấp năng lượng. Người bệnh có thể bổ sung tinh bột từ ngô, gạo, khoai, bột mì, sắn…

Các triệu chứng suy nhược cơ thể có thể bắt đầu rất sớm nhưng không rõ ràng. Nếu nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ thì cần đi khám ngay để sớm tìm giải pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó bạn cũng nên thay đổi lối sống sinh hoạt của mình và chú ý đến chế độ ăn uống. Một lối sống lành mạnh về thể chất và tinh thần sẽ giúp phòng ngừa và điều trị suy nhược cơ thể tự nhiên nhất.

Hồng Anh | Theo Phụ nữ sức khỏe