Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết rất khó lường, ngay cả khi bạn đã hết sốt, bệnh vẫn có biến chứng nguy hiểm.
Theo Người lao động, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết khó lường
Cùng thông tin trên Sức khỏe và >đời sống, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ: sốt xuất huyết Dengue; sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; sốt xuất huyết Dengue nặng.
Sốt xuất huyết Dengue: Bệnh nhân có các dấu hiệu sau: sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày kèm theo biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: Vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; gan to; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc; tiểu ít…Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.
Sốt xuất huyết Dengue nặng: Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Những sai lầm thường gặp khi mắc sốt xuất huyết
Theo Zing News, hàng năm, nước ta vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó không ít trường hợp bệnh nặng, xuất hiện biến chứng mới nhập viện điều trị. Cũng có nhiều ca tử vong do biến chứng của sốt xuất huyết do can thiệp điều trị chậm trễ. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khiến bệnh sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây tử vong mà bạn cần tránh.
1/ Chủ quan không đi khám bệnh khi có triệu chứng
Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá giống với sốt do các bệnh truyền nhiễm do virus thông thường, vì thế mà nhiều người chủ quan không điều trị tích cực. Từ triệu chứng bệnh nhẹ, sốt xuất huyết hoàn toàn có thể biến chuyển nặng nhanh chóng trong một vài ngày và gây biến chứng. Người bệnh không kịp thời đi khám và điều trị có thể gặp nguy hiểm do các biến chứng: xuất huyết nội tạng, tổn thương gan thận, tổn thương não,...
2/ Cho rằng khi hết sốt là bệnh đã được kiểm soát
Sốt cao là triệu chứng điển hình và thường xuất hiện sớm khi mắc sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng khi hết sốt nghĩa là bệnh đang khỏi dần. Song các chuyên gia cho biết, sau giai đoạn sốt cao mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết.
Thông thường sau khoảng 2- 7 ngày, tình trạng sốt cao sẽ thuyên giảm, người bệnh sẽ thấy dễ chịu hơn nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Đây là thời điểm người bệnh dễ bị giảm tiểu cầu nặng và thoát huyết tương rất nguy hiểm, nhận biết bằng triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa,...
Do vậy, cả khi hết sốt, người bệnh vẫn cần theo dõi sát sao các triệu chứng, nghỉ ngơi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
3/ Cho rằng chỉ mắc sốt xuất huyết 1 lần
Nhiều bệnh nhân đã từng mắc sốt xuất huyết cho rằng bản thân đã có miễn dịch nên không thể mắc bệnh lại. Song thực tế, có đến 4 type virus Dengue gây sốt xuất huyết, người nhiễm sốt xuất huyết sẽ chỉ hình thành kháng thể với type virus đó. Nếu không may nhiễm phải các type virus Dengue còn lại, bạn vẫn mắc bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan.
4/ Sốt xuất huyết chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương, song người lớn cũng có thể mắc sốt xuất huyết và gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Do vậy không nên chủ quan khi có dấu hiệu bệnh mà cần thăm khám và điều trị tích cực.
5/ Kiêng tắm khi bị sốt xuất huyết
Việc kiêng tắm hoàn toàn là không nên, người bệnh vẫn có thể tắm gội với nước ấm, trong phòng kín gió để giữ vệ sinh thân thể. Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh được lau người bằng nước ấm cũng là cách hạ sốt.
Thức ăn khi bị sốt xuất huyết
- Bù nước đầy đủ: Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao kèm theo đau đầu, đau khớp… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ. Người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây (như cam, bưởi, chanh). Nước dừa chứa nhiều khoáng chất tốt giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp mất nước do sốt cao.
- Bổ sung các loại vitamin : Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh nên bổ sung các thức ăn này cho cơ thể nhiều hơn.
- Tăng cường thức ăn chứa protein để phục hồi nhanh chóng. Trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như: trứng, thịt, cá, sữa… Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên nấu dưới dạng lỏng và mềm như cháo, súp để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thu hơn.