Sợ uống nhiều rượu trắng sẽ độc cho cơ thể, người dân nghĩ ra cách ngâm rượu với thảo dược, cây, con vật để bổ hơn. Vậy điều này có đúng?

My My (t/h) 10:00 06/02/2023

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với rượu thông thường tinh khiết không ngâm, người khỏe mạnh khi uống quá nhiều cũng có thể nguy kịch >sức khỏe. Với các trường hợp nhẹ thì người uống bị đau bụng, nôn, xuất huyết tiêu hóa, nặng thì hôn mê, suy hô hấp tím tái. Nếu uống nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến xơ gan, viêm tụy…

Hiện nay, nhiều người có xu hướng dùng rượu ngâm vì nghĩ sẽ tốt có sức khỏe và an toàn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên rượu nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc. Do vậy, người dân không nên tùy tiện ngâm theo lời mách. Việc chúng ta dễ dãi sử dụng dược liệu mà không tính toán được liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại cho loại rượu này, người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, >ngộ độc nặng nề…

Trong dịp Tết vừa qua, trung tâm chống độc đã tiếp nhận một bệnh nhân nam tại Lào Cai chuyển từ tuyến lên vào ngày mùng 5 Tết trong tình trạng người tím tái, chảy máu mũi và ho ra máu. Qua khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị >ngộ độc rượu.

Gia đình bệnh nhân cho biết vào ngày 27 Tết bệnh nhân uống nhiều loại rượu ngâm khác nhau. Bệnh nhân thường xuyên ho ra máu, tím tái chân tay.

Mới đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu (hay còn gọi là củ ấu tàu), 1 người 49 tuổi và 1 người 53 tuổi, đều ở tỉnh Hải Dương.

Trước đó, 2 người cùng uống rượu với nhau, sau đó có biểu hiện vã mồ hôi, tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, hoa mắt, chóng mặt... trong đó 1 người bị tím tái, ngừng thở, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.

Xét nghiệm nước tiểu phát hiện aconitin, một chất gây loạn nhịp tim có trong củ ấu tàu. Cả hai được đưa đến viện cấp cứu, điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân của các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) chiếm khoảng 10%. Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích >uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

Ths.BSCKII Nguyễn Văn Thủy, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Tuy nhiên, hiện nay người dân sử dụng rượu tự ngâm không có sự kiểm soát và am hiểu về dược liệu có thể gây ra tình trạng ngộ độc nguy hiểm tới tính mạng. Để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ Đông y chứ không phải tùy tiện kết hợp.

Cũng theo bác sĩ Thủy các loại rượu người dân ngâm hiện nay chưa được kiểm chứng công dụng, chỉ là người dân truyền tai nhau. Khi sử dụng rượu ngâm, đầu tiên chúng ta phải biết rõ nguồn gốc và uống ở mức vừa phải. Lạm dụng rượu dưới bất cứ hình thức nào đều có thể gây hại cho sức khoẻ.

Trong trường hợp mọi người ngâm rượu nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật sẽ rất nguy hiểm. Vì thực tế có những loại dược liệu gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

 

Theo Ngọc Minh/Tổ quốc