Mặc dù xuất hiện các vấn đề sức khỏe là điều không thể tránh khỏi ở mọi lứa tuổi, giới tính, song phụ nữ có thể dễ gặp phải một số tình trạng riêng biệt, đáng được quan tâm đặc biệt.
Hầu hết phụ nữ ai cũng từng có ít nhất một lần bị các bệnh lý phụ khoa nhưng không phải ai cũng có hiểu biết về các bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới để nhận biết sớm và có cách xử lý.
Tuyến giáp là cơ quan hình con bướm nhỏ nằm ở phía trước cổ. Các hormone do tuyến giáp tiết ra giúp duy trì sự trao đổi chất của cơ thể. Việc sản xuất quá mức hoặc ít hormone tuyến giáp có thể dẫn đến cường giáp và suy giáp. Trong khi cường giáp gây giảm cân, mệt mỏi, rụng tóc và khô da, suy giáp dẫn đến tăng cân, rối loạn giấc ngủ và yếu cơ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc các vấn đề về tuyến giáp cao hơn nam giới từ 5 đến 8 lần.
Theo Medical News Today, phụ nữ có nguy cơ mắc các vấn đề về tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), và chứng són tiểu (không có khả năng giữ nước tiểu). Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể) trong cơ thể phụ nữ nằm gần âm đạo và trực tràng (phần cuối cùng của ruột). Điều này khiến vi khuẩn từ trực tràng dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, quá trình lão hóa, béo phì và sinh nở cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng són tiểu ở phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung là bệnh xảy ra khi các tế bào cổ tử cung phát triển bất thường và xâm lấn các mô cơ quan khác của cơ thể như phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng. Đây là dạng ung thư tiến triển chậm. Giai đoạn tiền ung thư kéo dài từ 10 đến 15 năm thực sự là giai đoạn cửa sổ quý báu để bác sĩ và bệnh nhân phát hiện, điều trị và dự phòng một ung thư thực sự.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư xếp hạng thứ 4 trong các bệnh thường gặp và gây tử vong nhiều nhất ở nữ giới, chiếm khoảng 12% tất cả các loại ung thư. Độ tuổi trung bình của bệnh là 45-52 tuổi, các tổ chức tiền ung thư thường được phát hiện từ những năm 20 đến 30 tuổi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ nhiễm HPV có nguy cơ mắc cổ tử cung cao hơn bình thường, đặc biệt là nhiễm HPV type 16 và 18. Các chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung nhằm phát hiện HPV và các tổn thương mô học tiền ung thư đã làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong như: làm phiến đồ cổ tử cung âm đạo (xét nghiệm Pap smear), định type HPV... Vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV đã ra đời, góp phần giảm thiểu được tần suất mắc bệnh.
Theo Health Grades, các bệnh tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu tấn công nhầm tế bào của nó. Trong khi có hơn 100 bệnh tự miễn dịch, nhiều vấn đề thường gặp hơn ở nữ giới.
Các bệnh tự miễn dịch phổ biến ở phụ nữ bao gồm viêm khớp dạng thấp (đau và cứng khớp), lupus (viêm ở nhiều bộ phận của cơ thể), đa xơ cứng (tổn thương dây thần kinh), rối loạn tuyến giáp, bệnh vẩy nến (viêm da) và bệnh tiểu đường type I.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì, mang thai và mãn kinh khiến phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch cao hơn. Ngoài ra, mức độ cao hơn của một số protein, chẳng hạn protein 3 giống tiền đình (VGLL3) và protein BAFF, trong cơ thể cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là vấn đề >sức khỏe tâm thần phổ biến nhất đối với phụ nữ và tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ dưới 60 tuổi. Trầm cảm có thể kéo dài hơn vài tuần và cản trở cuộc sống hàng ngày.
Sự dao động nội tiết tố có thể gây ra tình trạng này, đặc biệt là sau khi mang thai hoặc xung quanh thời kỳ mãn kinh. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiền sử gia đình, các vấn đề hôn nhân, bệnh mạn tính, sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, lạm dụng thể chất hoặc tình dục,...
Lộ tuyến cổ tử cung là hiện tượng các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra bên ngoài, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung. Các tế bào tuyến lộ này vẫn tiết dịch nên thường gây ra hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm (viêm lộ tuyến). Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm lộ tuyến cổ tử cung thường là sang chấn cổ tử cung, cường estrogen buồng trứng và lộ tuyến bẩm sinh (hay gặp ở bé gái mới sinh do mẹ dùng nhiều estrogen khi mang thai). Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, virus,...
Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp có thể làm giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng xấu của bệnh tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ.