Những thay đổi ở vùng mắt có thể là dấu hiệu báo trước của một cơn đột quỵ.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, >đột quỵ có thể gây suy nhược hoặc dẫn đến tử vong. Cơn đột quỵ có thể biểu hiện qua một số triệu chứng bất thường của cơ thể, chẳng hạn tê yếu đột ngột chân tay, cơ thể, lú lẫn, khó nói hoặc các dấu hiệu bất thường ở mắt.
Ngày càng có nhiều bằng chứng gợi ý rằng những tổn thương sớm đối với các mạch máu nhỏ trong mắt có thể dự đoán >bệnh tim mạch. Đặc biệt là những thay đổi đột ngột về thị lực như nhìn mờ, xuất hiện vùng tối ở mắt hoặc mất thị lực (thường do tắc nghẽn mạch máu ở mắt) có thể báo trước một cơn đột quỵ não nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu ở mắt và >sức khỏe tim mạch
Các mạch máu ở mắt chỉ rộng chưa bằng kích cỡ của một sợi tóc, mạng lưới các mạch máu ở mắt giúp cung cấp máu cho võng mạc và mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau nhãn cầu.
Tiến sĩ Nimesh Patel, bác sĩ nhãn khoa chuyên về Rối loạn chức năng võng mạc tại Bệnh viện Tai và Mắt Massachusetts trực thuộc Đại học Harvard, Mỹ cho biết: “Giống như các động mạch trên khắp cơ thể, những mạch nhỏ này có thể bị tổn thương do các bệnh mạn tính như tiểu đường và huyết áp cao".
Ngoài ra, khi động mạch cung cấp máu cho phần võng mạc bị tắc nghẽn do cục máu đông làm cản trở lưu lượng máu, hoặc do động mạch quá hẹp khiến máu không thể chảy với tốc độ bình thường cũng có thể gây ảnh hưởng tới thị giác.
Tiến sĩ Patel nói thêm: “Đôi khi, bệnh nhân đến khám với các vấn đề về thị lực, kết quả ảnh chụp hoặc kết quả khám võng mạc cho thấy bệnh nhân có các mảnh mảng bám chặn động mạch võng mạc. Ngoài ra, cục máu đông cũng có thể hình thành trong các tĩnh mạch mang máu ra khỏi võng mạc. Cả hai tình trạng được gọi là tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc - gây ra đột quỵ mắt. Tình trạng đột quỵ mắt cũng cho thấy nguy cơ đột quỵ não cao hơn”.
Nhiều loại thay đổi thị lực khác nhau có thể báo hiệu về dạng đột quỵ này. Các triệu chứng nghiêm trọng và rõ ràng hơn là mất thị lực vào buổi sáng.
"Nếu bạn thức dậy và thấy thị lực giảm, dù có hoặc không có cảm giác đau mắt thì hãy gọi cho bác sĩ. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng, đây là chứng đột quỵ do mắt chứ không phải do não. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một bên mắt", Bác sĩ phẫu thuật tim Allan Stewart lưu ý.
Trang web của Đại học Pennsylvania, Mỹ cũng cho biết: “Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ mắt thường xuất hiện thầm lặng và không gây đau. Một số người thức dậy và thấy một phần tầm nhìn bị tối, ảnh hưởng đến nửa trên hoặc nửa dưới của đôi mắt. Các biểu hiện khác bao gồm mất độ tương phản thị giác và nhạy cảm với ánh sáng”.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mất thị lực vào thời điểm nào trong ngày cũng đáng lo ngại, dù là buổi sáng hay ban đêm. Tuy nhiên, vì mọi người có khả năng đột quỵ cao hơn 80% trong khoảng thời gian từ 6h sáng đến 12h đêm nên việc thức dậy với biểu hiện này là điều báo động. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần tìm đến bác sĩ ngay lập tức nếu có dấu hiệu kể trên.
Tổ chức Tim mạch Anh cũng khuyến cáo rằng khi xuất hiện dấu hiệu bất thường ở mắt, việc chẩn đoán nhanh chóng sẽ mang lại cơ hội điều trị hiệu quả và khả năng phục hồi cao.
Bác sĩ Pearse Keane, bác sĩ phẫu thuật nhãn khoa tư vấn tại Bệnh viện Mắt Moorfield, Anh lưu ý thêm: “Những người bị mất thị lực đột ngột nên khẩn trương đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh kịp thời”.
Ngoài ra, những người bị đột quỵ mắt cần được kiểm tra thêm, bao gồm cả siêu âm để kiểm tra sự tích tụ mảng bám chất béo bên trong động mạch cảnh và tim để phòng tránh nguy cơ đột quỵ.
Cuối cùng, Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến nghị:
- Những người từ 40 đến 64 tuổi dù khỏe mạnh cũng nên đi khám mắt 2-4 năm một lần.
- Sau 65 tuổi, mọi người nên đi khám mắt toàn diện từ 1-2 năm một lần.
- Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên khám mắt tại thời điểm được chẩn đoán bệnh và định kỳ hàng năm.
Nguồn: Health Harvard, Express