Bạn đã từng nghe đến hội chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD) ở phụ nữ chưa?
Bạn có thể nghĩ rằng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) chủ yếu là tình trạng mà trẻ em phải đối mặt, và chủ yếu là các bé trai. Nhưng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia báo cáo rằng 3,2% phụ nữ Hoa Kỳ từ 18 đến 44 tuổi mắc chứng ADHD, mặc dù bệnh này thường có thể bị bỏ qua hoặc chẩn đoán sai. Đó là lý do tại sao việc trang bị cho mình những thông tin chính xác là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của ADHD. Cụ thể thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết ở ngay bài viết dưới đây nhé!
Theo Mayo Clinic, Tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn là một chứng rối loạn >sức khỏe tâm thần được đặc trưng bởi một loạt các vấn đề dai dẳng, chẳng hạn như khó tập trung, hành động bốc đồng hoặc cảm thấy bồn chồn.
Theo Lesley Cook, nhà tâm lý học lâm sàng cho biết: “ADHD được mô tả chính xác nhất là khả năng tập trung vào những gì bạn thực sự muốn không nhất quán.”
Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tổ chức và có thể biểu hiện như sự thiếu kiên nhẫn và tức giận – chẳng hạn như mất hết kiên nhẫn nếu quầy tính tiền ở cửa hàng tạp hóa quá chậm. David Goodman, phó giáo sư tâm thần học hành vi và lâm sàng tại Trường Y khoa Johns Hopkins cho biết: “Phụ nữ mắc chứng ADHD có thể bị chẩn đoán nhầm với chứng rối loạn tâm trạng hoặc lo âu.”
Nam giới được chẩn đoán mắc chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD) với tỷ lệ gần gấp đôi so với nữ giới. Theo một nghiên cứu từ Đại học King's College ở London, ở nam giới, các dấu hiệu của chứng rối loạn này bao gồm từ khó tập trung đến hiếu động thái quá, các vấn đề về học tập và hành vi xấu.
Tuy nhiên, đối với nữ giới, các triệu chứng biểu hiện ở việc thiếu tập trung, chứ không phải các triệu chứng tăng động. Cụ thể, các triệu chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD) phổ biến ở phụ nữ bao gồm:
- Không chú ý đến tiểu tiết, dẫn đến sai sót
- Khó duy trì sự tập trung và lắng nghe người khác
- Gặp rắc rối với việc làm theo hướng dẫn
- Dễ bị phân tâm
- Hay quên
Tiến sĩ Cook cho biết: “Chúng tôi không biết chính xác tại sao lại có sự phân chia giới tính với các triệu chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD). Điều này có thể liên quan đến việc xã hội hóa – phụ nữ thường được khuyến khích từ thời thơ ấu là không được quậy phá. Cũng có thể có một thành phần di truyền, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để thực sự tìm ra điều đó.”
Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể dẫn đến nhiều loại khó khăn khác nhau trong cuộc sống của người phụ nữ.
Tiến sĩ Goodman cho biết: “Phụ nữ mắc chứng ADHD không được chẩn đoán thường không nhất quán trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Điều này thể hiện rõ qua việc bạn đến muộn, quên hẹn, để quên chìa khóa hoặc điện thoại, hoặc đón con đi học muộn.”
Tiến sĩ Cook cho biết: “Đối với phụ nữ mắc chứng ADHD, việc nhìn ra một khuôn mẫu lâu dài sẽ giúp ích cho họ. Nếu các triệu chứng như thiếu tập trung không xuất hiện đột ngột – chẳng hạn như sau khi bạn bị va đập vào đầu sau một tai nạn xe hơi – hãy nhìn lại và xem liệu những triệu chứng này có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn hay không.”
Bạn cũng có thể đã quá quen với việc mọi người gọi bạn là không đáng tin cậy hoặc thất thường. Tiến sĩ Goodman cho biết thêm: “Phụ nữ bị ADHD thậm chí có thể không nhận ra rằng họ mắc chứng rối loạn có thể điều trị được. Sau nhiều thập kỷ lắng nghe những lời chỉ trích, họ có thể kết luận rằng 'Đây chính là con người của tôi'. Đổi lại, kiểu suy nghĩ này có thể hạ thấp lòng tự trọng của bạn, và thậm chí góp phần gây ra trầm cảm – đó có thể là một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.”
Nhận được một chẩn đoán là rất quan trọng. Tiến sĩ Goodman nói: “Một khi các triệu chứng của bạn được giảm bớt một cách hiệu quả, bạn sẽ hiểu rằng những gì bạn mắc phải – ADHD – khác với con người của bạn. Sự tự tin của bạn sẽ tăng lên. Bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa chăm sóc sức khỏe được đào tạo và có kinh nghiệm về ADHD ở người lớn là cách tốt nhất, để được đánh giá chính xác. Bởi vì 70% người trưởng thành mắc chứng ADHD có một tình trạng tâm thần khác, nên việc đánh giá toàn diện bao gồm một danh sách dài các câu hỏi để xem xét sự hiện diện hay vắng mặt của một số rối loạn tâm thần ngoài ADHD là vô cùng cần thiết.”
Một khi bạn đã được chẩn đoán, việc điều trị bao gồm tâm lý trị liệu, thuốc men hoặc cả hai. Mặc dù bạn sẽ luôn bị ADHD, nhưng bạn có thể học cách quản lý nó cực kỳ hiệu quả và cảm thấy tuyệt vời về bản thân cũng như tiềm năng của mình.
Trên đây là tất tần tật mọi thông tin về hội chứng Tăng động giảm chú ý (AdHD) ở phụ nữ, hy vọng bài viết này sẽ hữu ích tới bạn. Tóm lại, hội chứng này là một hội chứng có biểu hiện “nghèo nàn” ở nữ giới, nên cách tốt nhất là cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị nhé.