Một số vật dụng thân thuộc trong bếp có thể ẩn chứa nhiều vi khuẩn hơn bạn nghĩ. Vì vậy hãy vệ sinh những vật dụng thật đúng cách hoặc thay thế chúng ngay khi nhận thấy một số dấu hiệu sau.

My My (t/h) 06:14 22/02/2023

Vi khuẩn và virus có thể ẩn náu ở những không gian mà chúng ta không ngờ tới, bao gồm cả phòng bếp - nơi vốn được sử dụng để chế biến thực phẩm và nấu nướng các bữa ăn trong ngày của cả gia đình.

Tuy hiện nay nhiều người đã có thói quen chủ động vệ sinh bếp thế nhưng họ lại bỏ qua tuổi thọ của một số vật dụng trong căn bếp và cho rằng nếu không hỏng hóc thì không cần thay thế. Tuy nhiên, có một số vật dụng trong nhà bếp cần phải được thay thế thường xuyên, nếu không chúng có thể trở thành >ổ chứa vi khuẩn, gây ảnh hưởng xấu tới >sức khỏe.

Đũa, thìa gỗ

Sau một thời gian sử dụng, thường xuyên phải tiếp xúc với nhiệt độ cao, đũa hoặc thìa gỗ có thể bị cong vênh, nứt hoặc bị mốc. Cặn thức ăn và dầu mỡ có thể tích tụ trong những kẽ hở nhỏ bị nứt gãy ở trên đũa. Các vết nứt, thậm chí chỉ là vết nứt nhỏ cũng có thể trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển.

Ngoài ra, khi thấy đũa xuất hiện các đốm mốc, bạn cũng cần phải chú ý vì đũa mốc có thể chứa độc tố aflatoxin, nếu tiếp xúc trực tiếp lâu ngày thì có thể làm tăng nguy cơ mắc >ung thư gan.

Vì vậy, đũa hoặc thìa gỗ cần phải được thay thường xuyên, thông thường bạn nên thay chúng 6 tháng/lần. Ngoài ra, nếu đũa bị nứt hoặc bị mốc thì chúng ta cần phải thay thế ngay lập tức.

Ảnh minh họa.

Thớt

Sau một thời gian sử dụng, dù là thớt nhựa hay thớt gỗ thì trên bề mặt của chúng cũng sẽ xuất hiện nhiều vết cắt của dao hơn. Các đường rãnh do vết cắt của dao cũng có thể là nơi cặn thức ăn bám vào hoặc là nơi sản sinh của các loại vi khuẩn, nấm mốc nếu thớt không được vệ sinh đúng cách.

Bên cạnh đó, nếu bạn dùng chung thớt để cắt thái cả thực phẩm sống và chín, điều này có thể khiến vi khuẩn từ các loại thực phẩm xấu lây nhiễm chéo sang thực phẩm chín. Nếu bạn ăn các thực phẩm chín bị nhiễm khuẩn có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm và tạo ra những tác động xấu cho sức khỏe.

Để sử dụng thớt an toàn, bạn nên chuẩn bị ít nhất 2 chiếc thớt, một chiếc để cắt thái thực phẩm sống cần chế biến và chiếc còn lại cho các thực phẩm chín ăn trực tiếp.

Sau khi sử dụng, bạn có thể rửa sạch với xà phòng và nước ấm, sau khi vệ sinh sạch sẽ hãy đặt thớt ở nơi thoáng khí và khô ráo.

Nhìn chung thớt nên được thay thế sau mỗi 6 tháng - 1 năm. Tuy nhiên, nếu trên thớt xuất hiện những vết nấm mốc, đốm đen thì bạn không nên tiếp tục sử dụng mà nên thay thế chúng ngay lập tức.

Ảnh minh họa.

Miếng bọt biển rửa bát

Khăn lau bếp và miếng bọt biển rửa bát đã sử dụng lâu ngày là một trong những vật dụng dễ tích tụ vi khuẩn vì chúng thường xuyên trong tình trạng ẩm ướt.

Một nghiên cứu vào năm 2017 được công bố trên tạp chí Nature đã phát hiện ra rằng miếng bọt biển đã sử dụng thường chứa vi khuẩn Moraxella osloensis. Mặc dù loại vi khuẩn này không gây ra bất kỳ mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nào nhưng chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho những người có hệ miễn dịch yếu.

Do đó, để đảm bảo an toàn, hàng ngày, bạn nên giặt sạch miếng bọt biển với xà phòng, vắt hết nước và để ở nơi khô ráo. Hãy thay thế miếng bọt biển rửa bát ít nhất 1 tháng/lần hoặc ngay khi bạn nhận thấy chúng có mùi khó chịu hay bị hỏng.

Ảnh minh họa.

Vòi nước, bồn rửa, mặt bàn bếp

Trong quá trình chế biến thức ăn, các loại vi khuẩn trong thực phẩm có thể bám vào các bề mặt của bồn rửa, vòi nước hoặc bề mặt của bàn bếp. Các vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong căn bếp bao gồm: vi khuẩn E.coli, vi khuẩn salmonella, vi khuẩn shigella,vi khuẩn campylobacter,... thường gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa. Các loại vi khuẩn này có thể tồn tại hàng giờ trên các bề mặt và gây ra các vấn đề sức khỏe.

Để hạn chế vi khuẩn phát triển và đảm bảo an toàn cho cả gia đình, mọi người nên rửa hoặc vệ sinh các bề mặt của vòi nước, bồn rửa và mặt bàn bếp với các chất tẩy rửa chuyên dụng hàng ngày.

Ảnh minh họa.

Nguồn: Daily Mail, EatingWell, Health Clevelandclinic

Theo Mộc Miên/ Tổ quốc