Bệnh tim mạch được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” gây nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm bệnh tim mạch và phòng ngừa? Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia.
Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam năm 2020, mỗi năm các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 200.000 người Việt, chiếm 33% tổng số ca tử vong trong cả nước.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biến cố tim mạch gia tăng khi tuổi đời cao hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều bệnh viện trong nước đã ghi nhận những ca mắc >bệnh tim mạch khi còn khá trẻ và điều đáng nói là họ đều không hề biết mình đang mắc căn bệnh nguy hiểm này. Vậy, làm thế nào để nhận biết và phòng ngừa bệnh tim mạch?
Tất cả sẽ được giải đáp tại chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “Bệnh tim mạch trẻ hoá: Cần phòng ngừa ngay từ hôm nay” cùng sự tham gia tư vấn của BSCKII Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E.
Hỏi: Bệnh tim mạch bao gồm những bệnh nào? Bệnh nào thường gặp tại Việt Nam, thưa BS?
Đáp: Bệnh tim mạch thường được chia thành 2 nhóm: Bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải.
Hiện nay, các bệnh lý tim mắc phải đang có xu hướng gia tăng. Các bệnh lý tim mắc phải thường gặp là tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim do tổn thương động mạch vành, các bệnh lý về động mạch chủ hoặc động mạch ngoại biên.
Bên cạnh đó, còn có bệnh lý hở van tim, tim bẩm sinh. Các tình trạng như suy tim, rối loạn nhịp tim cũng là tình trạng phổ biến có thể gây ra tử vong do bệnh tim mạch.
Hỏi: Trong các bệnh lý kể trên, đâu là bệnh lý nguy hiểm nhất?
Đáp: Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp trong trường hợp cấp cứu, ví dụ như nhồi máu cơ tim cấp, phình tắc động mạch chủ hoặc các trường hợp gây tắc mạch gồm đột quỵ não, tai biến mạch máu não, xuất huyết não.
Hỏi: Vì sao người ta thường ví bệnh tim mạch là “sát thủ thầm lặng”?
Đáp: Bệnh tim mạch thường được ví như “sát thủ thầm lặng” vì bệnh thường diễn biến âm thầm. Ví dụ như bệnh lý tăng huyết áp thường không có triệu chứng cụ thể, chỉ khi đo huyết áp người bệnh mới thấy chỉ số huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh chủ quan trong điều trị và theo dõi tình trạng bệnh. Do đó, người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và khiến bệnh có nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tử vong.
Hỏi: Dấu hiệu nào cảnh báo sớm tim mạch có vấn đề?
Đáp: Một vài dấu hiệu cảnh báo sớm các vấn đề tim mạch:
- Khó thở, đau tức ngực, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức.
- Hồi hộp hoặc choáng váng.
- Ngất.
- Ngón chân, ngón tay tím hoặc thay đổi hình dạng.
- Có các thay đổi trên da, xuất hiện các ổ loét hoặc hoại tử.
- Sờ thấy các khối bất thường ở vùng bụng trong trường hợp mắc bệnh phình động mạch chủ.
Ảnh minh hoạ: Khó thở, đau tức ngực, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tim mạch.
Hỏi: Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn?
Đáp: Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch là người cao tuổi. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch do mạch máu bị tổn thương dần theo thời gian, thường xuất hiện các mảng xơ vữa bám trong thành mạch. Điều này gây ra tình trạng hẹp mạch hoặc tắc mạch máu.
Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân bị béo phì hoặc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc những người có người thân mắc bệnh lý tim mạch cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch.
Hỏi: Tôi nghe nói bệnh tim mạch đang trẻ hoá, điều này có đúng không? BS có thể chia sẻ về một ca bệnh người trẻ mắc bệnh tim mạch không?
Đáp: Hiện nay, bệnh lý tim mạch đang ngày càng trẻ hóa do lối sống, áp lực công việc và phương pháp chăm sóc >sức khỏe chưa tốt. Có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến bệnh viện thăm khám và mắc bệnh lý tim mạch nặng nề.
Gần đây, có những bệnh nhân chỉ mới 30 - 35 tuổi nhưng đã vào viện với tình trạng tắc hoàn toàn mạch vành hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp và có diễn biến nặng nề. Ngay cả khi bệnh nhân được tiến hành các thủ thuật để thông tắc mạch và đặt stent, người bệnh vẫn phải chịu những ảnh hưởng nặng nề như suy tim trong tương lai.
Hỏi: Vì sao bệnh tim mạch ngày nay trẻ hóa?
Đáp: Đa phần các bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch thường gặp các vấn đề căng thẳng trong công việc, thường xuyên hút thuốc lá, bị béo phì. Đây đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi. Bên cạnh đó còn có các yếu tố khác như mắc bệnh tiểu đường, thường xuyên sử dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hỏi: Đâu là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch?
Đáp: Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Bệnh tiểu đường.
- Lạm dụng rượu bia.
- Nhiễm trùng...
Hỏi: Vậy chúng ta cần làm gì để phòng tránh bệnh tim mạch?
Đáp: Chúng ta có thể phòng tránh bệnh tim mạch bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ. Ví dụ nếu bạn đang hút thuốc thì nên cai thuốc lá; hạn chế sử dụng rượu bia;...
Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc những người đã mắc bệnh tim mạch, nhóm đối tượng này cần phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn, cân đối công việc và cuộc sống. Ngoài ra, những người đã mắc bệnh tim mạch cũng cần thường xuyên thăm khám, sử dụng thuốc đều chỉ định của bác sĩ để duy trì sức khỏe của bản thân.
Ảnh minh hoạ: Chúng ta có thể phòng tránh bệnh tim mạch bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như bỏ thuốc lá.
Hỏi: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch có thể phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch được không? Nếu có thì cần làm như thế nào?
Đáp: Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh tim mạch thường dễ bị di truyền và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Trong trường hợp này, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh tim mạch như khó thở, tức ngực, hồi hộp,... người bệnh cần đến các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán bệnh kịp thời.
Hỏi: Thực phẩm nào tốt cho tim mạch? Thực phẩm nào có hại?
Đáp: Thực phẩm chỉ có hại khi lạm dụng quá nhiều. Một vài thực phẩm có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các loại kẹo hoặc thực phẩm có hàm lượng đường cao.
Bên cạnh đó, có một số loại thực phẩm tốt cho tim mạch ví dụ như rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít muối, ít chất béo,...
Hỏi: Trong cuộc sống hiện đại, người trẻ đối mặt với nhiều căng thẳng trong cuộc sống cũng như công việc, vậy người trẻ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần thế nào để giữ cho trái tim luôn khỏe?
Đáp: Người trẻ thường chịu nhiều áp lực cuộc sống do công việc khiến họ đôi khi lơ là trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, ví dụ như có chế độ ăn không hợp lý, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, thức khuya, ít vận động. Các yếu tố này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ, đặc biệt bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng lâu dài. Do đó, người trẻ cần phải ý thức hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi bệnh tim mạch bởi đây là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi.
Hỏi: Bác sĩ có nói tập thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, tập thể dục quá mạnh hoặc tập sai cách cũng có thể gây hại cho tim. Vậy, tập như thế nào mới đúng?
Đáp: Tập thể dục đúng cách và vừa đủ có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy, khi bắt đầu tập thể dục, mọi người nên lựa chọn các môn tập hoặc bài tập với cường độ và thời gian phù hợp với thể trạng của bản thân.
Ngoài ra, mọi người nên tìm hiểu kỹ về các môn tập hoặc bài tập, trước khi tập phải tập các động tác khởi động để kéo giãn cơ và làm mềm khớp để hạn chế chấn thương. Trước và sau khi tập, mọi người cần uống đủ nước, ăn chế độ ăn phù hợp với môn thể thao đã chọn.
Hỏi: Trong cấp cứu tim mạch, người ta hay nhắc tới ‘khung giờ vàng’. Điều này có nghĩa là gì thưa BS?
Đáp: Khi cấp cứu tim mạch, yếu tố thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng khi bệnh nhân đã có những yếu tố cấp tính về tim mạch. Các trường hợp cấp cứu tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não cấp... là khi các bộ phận trọng yếu như tim và não đang bị thiếu máu. Lúc này, cấp cứu càng sớm thì người bệnh càng có nhiều cơ hội để phục hồi. Như vậy, “khung giờ vàng” là khoảng thời gian hồi phục tốt nhất cho các phần bị tổn thương khi bệnh nhân gặp tai biến.
Do đó, nếu người thân trong gia đình có các vấn đề tim mạch cấp tính như đau ngực dữ dội, liệt nửa người thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu kịp thời, chẩn đoán bệnh và chuyển bệnh nhân vào các chuyên khoa sâu để điều trị kịp thời.