Bạn đột ngột tỉnh giấc giữa đêm, suýt nhảy ra khỏi giường vì cảm thấy như đang rơi vào khoảng không. Bạn giật mình nhưng không hiểu điều gì đã xảy ra. Nếu bạn từng trải qua cảm giác này thì cũng đừng lo lắng vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể.
Các nhà khao học gọi hiện tượng này là hypnagogic hoặc hypnic jerk, tức là giật cơ lúc ngủ.
1. Chứng giật cơ lúc ngủ và cảm giác rơi
Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, ý thức sẽ rời khỏi cơ thể, não bộ bắt đầu hoạt động khác với khi chúng ta thức.
Trong quá trình chuyển đổi từ trạng thái tỉnh táo sang trạng thái ngủ, hiện tượng giật cơ lúc ngủ có thể xảy ra.
Nó là một chuyển động đột ngột giống như cơn co giật, như cảm giác khi có thứ gì đó khiến chúng ta sợ hãi đột ngột.
Hiện tượng này là kết quả của sự co thắt cơ, co giật đột ngột và không chủ ý của một hoặc một nhóm cơ có thể xảy ra đơn lẻ hoặc theo chuỗi, có hoặc không có khuôn mẫu. Ví dụ, nấc cụt là một dạng phổ biến của co giật cơ.
Giật cơ lúc ngủ bao gồm một cơ co thắt gắn với cảm giác rơi, bắt đầu của một giấc mơ (thị giác và thính giác) hoặc ảo giác sống động (sinh ra khi người đó đang ngủ).
2. Nguyên nhân gây ra cảm giác rơi khi ngủ
Chứng giật cơ khi ngủ thường xảy ra khi một người đang rơi vào giấc ngủ. Những cơn co giật này thường gây ra nhầm lẫn về thời điểm giấc ngủ thực sự bắt đầu và liệu chúng ta có đang mơ hay không.
Mặc dù nguyên nhân của hiện tượng này còn chưa rõ ràng nhưng các nhà khoa học tin rằng một số lý do có thể gây hiện tượng này là:
- Hoạt động thể chất: Tập thể dục quá gần giờ đi ngủ có thể kích thích cơ thể và khiến bạn rất khó đi vào giấc ngủ sớm.
- Lo lắng và căng thẳng: Đi ngủ với tâm trí lo lắng có thể khiến não hoạt động lâu hơn mức cần thiết, do đó có thể khiến não gửi tín hiệu cảnh báo ngay cả khi cơ thể đang ngủ.
- Caffeine và các chất kích thích khác:Các chất kích thích này có thể ảnh hưởng đến khả năng ngủ tự nhiên và đi vào giấc ngủ sâu của cơ thể.
- Thiếu ngủ: Rối loạn giấc ngủ và các thói quen ngủ xấu cũng có thể liên quan tới hiện tượng co giật này.
Ngoài ra, có một giả thuyết thú vị theo thuyết tiến hóa giải thích hiện tượng giật gân. Theo nghiên cứu từ Đại học Colorado, giật cơ khi ngủ có thể là một phản xạ cổ điển xảy ra khi sự thư giãn tự nhiên của các cơ trong khi ngủ bị não bộ hiểu nhầm là nguy cơ ngã từ trên cây - nơi tổ tiên chúng ta từng ngủ.
3. Chứng giật cơ lúc ngủ có thể không làm bạn thức dậy
Cường độ giật cơ lúc ngủ ở mỗi người có thể khác nhau. Hiện tượng này không phải lúc nào cũng làm chúng ta giật mình hoảng sợ thức dậy.
Đôi khi, cơn co giật chỉ ở mức độ nhẹ và không làm ảnh hưởng giấc ngủ của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta có bạn cùng giường thì họ có thể phát hiện tình trạng này.
Đôi khi, giật cơ lúc ngủ không chỉ đánh thức chúng ta mà còn khiến chúng ta rơi vào trạng thái sốc trong vài giây.
Một số người thậm chí cảm thấy như thể họ bị đẩy ra khỏi giường. Cảm giác này càng mạnh hơn nếu chúng ta mơ thấy mình đang rơi từ một tòa nhà hoặc một vị trí trên cao.
4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Tuy nhiên bạn không cần lo lắng vì đây không phải một rối loạn nghiêm trọng và cũng không gây ra biến chứng. Trên thực tế, chứng giật cơ lúc ngủ hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Theo nghiên cứu, khoảng 60 - 70% dân số bị co giật vào ban đêm bất kể tuổi tác, giới tính.
Thông thường, nếu bạn gặp phải tình trạng giật cơ lúc ngủ, bạn không cần phải đi khám. Tuy nhiên, khi hiện tượng xảy ra quá thường xuyên, khiến bạn khó ngủ, không ngủ được, bạn có thể gặp bác sĩ chuyên khoa điều trị nếu có vấn đề về rối loạn thần kinh hoặc rối loạn giấc ngủ.