Theo Bộ Y tế Nga, vaccine Sputnik V không chứa các thành phần của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhưng có khả năng tạo ra miễn dịch lâu dài.
Công dân Nga sẽ được tiêm vaccine >COVID-19 miễn phí
Ngày hôm qua (11/8), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một tin vui trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới do các nhà khoa học Nga phát triển đã được Bộ Y tế nước này thông qua.
Sau đó, truyền thông Nga đã nhanh chóng đăng tải thêm những thông tin và hình ảnh về quá trình phát triển loại vaccine COVID-19 vừa được cấp phép này, với giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 và đơn vị phát triển là Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya.
Theo hãng tin Sputnik, vaccine mới của Nga có tên gọi "Gam-COVID-Vac" là loại vaccine vector 2 thành phần, được phát triển dựa trên adenovirus - loại virus thường gặp ở người.
Đặc điểm của adenovirus là chúng có thể gây ra nhiều triệu chứng như viêm đường hô hấp (đau họng, hắt hơi, sốt), viêm kết mạc mắt, viêm dạ dày, ruột... Các protein nhân tạo trong vaccine Gam-COVID-Vac có nhiệm vụ sao chép các protein của virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19 và "kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự phản ứng do COVID-19 gây ra", theo giáo sư Vadim Tarasov, nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Sechenov, Moskva.
Được biết, trước khi được Bộ Y tế cấp phép, vaccine Gam-COVID-Vac đã trải qua tất cả các thử nghiệm cần thiết về tính an toàn và hiệu quả trên một số loài động vật (bao gồm các loài gặm nhấm và linh trước), sau đó tiếp tục thử nghiệm trên 76 tình nguyện viên.
Theo Bộ Y tế Nga, vaccine Gam-COVID-Vac không chứa các thành phần của virus SARS-CoV-2 nhưng lại có khả năng miễn dịch lâu dài với loại virus này.
Sputnik trích dẫn thông tin trong các nghiên cứu cho biết, với phác đồ tiêm chủng hai lần, khả năng miễn dịch có thể kéo dài đến 2 năm.
"Theo các kết quả thử nghiệm, vaccine [Gam-COVID-Vac] đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả cao. Tất cả các tình nguyện viên đều hình thành hàm lượng kháng thể cao và không có ai xuất hiện biến chứng nghiêm trọng trong hệ miễn dịch", Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko báo cáo trong cuộc họp của Tổng thống Putin và các thành viên chính phủ Nga.
Cũng trong cuộc họp này, Tổng thống Putin đã tiết lộ một trong các con gái ông đã được tiêm vaccine thử nghiệm, và cho biết việc tiêm chủng đại trà sẽ được tiến hành theo hình thức tự nguyện.
Dự kiến Nga sẽ bắt đầu sản xuất đại trà vaccine COVID-19 vào tháng 9 tới, tuy nhiên phải đến đầu năm sau, kế hoạch tiêm chủng cộng đồng mới được thực hiện.
Chính phủ Nga cũng cam kết sẽ tiêm vaccine COVID-19 "hoàn toàn miễn phí" cho công dân Nga. Hiện tại, loại vaccine này mới chỉ được phát triển cho người lớn, và chưa được nghiên cứu cho đối tượng trẻ em.
Trước đó, Bộ Y tế Nga đã tiết lộ về lộ trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này, trong đó những nhóm đối tượng đặc biệt sẽ được ưu tiên bao gồm bác sĩ, giáo viên và người cao tuổi.
Tên gọi đầy ý nghĩa của vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới
Nhằm gợi nhớ một thành tựu to lớn trong cuộc chạy đua vào không gian của thế giới năm xưa, Nga đã đặt tên loại vaccine COVID-19 mới được cấp phép là "Sputnik V", theo tên gọi của vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên Trái đất.
"Năm 1957, việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh không gian đầu tiên đã tiếp thêm động lực cho công cuộc nghiên cứu vũ trụ trên toàn thế giới. Vì vậy, vaccine COVID-19 của Nga được đặt tên là Sputnik V", theo thông tin trên trang web chính thức về loại vaccine này.
Kể từ khi vệ tinh nhân tạo Sputnik V được phóng lên vũ trụ, cụm từ "khoảnh khắc Sputnik" đã được sử dụng để mô tả thời điểm một quốc gia nhận thức được rằng mình cần phải bắt kịp với những tiến bộ của quốc gia khác. Năm 1957, khi những tin tức về vệ tinh của Liên Xô được đăng tải trên khắp các mặt báo, một cuộc chạy đua vào không gian đã bùng nổ. Cũng giống như 63 năm về trước, vaccine Sputnik V cũng đang được coi là thắng lợi của Nga.
Vaccine Sputnik V chưa nhận được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO cho biết họ đang duy trì "liên hệ chặt chẽ với giới chức y tế Nga". Theo phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevic, việc thẩm định bất cứ loại vaccine nào cũng cần "xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả các dữ liệu được yêu cầu về tính an toàn và hiệu quả".