Thấy bụng ngày càng to ra, người phụ nữ đi khám thì phát hiện mình bị ung thư buồng trứng. Tuy nhiên thay vì đến bệnh viện, người phụ nữ lại nghe lời mách bảo đi uống thuốc nam.
Mới đây, bệnh nhân B.T.N (sinh năm 1973, ngụ Bình Dương) đến khám tại khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong tình trạng bụng sưng to, chướng bụng, không tiêu tiểu được. Qua thăm khám kèm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị >ung thư buồng trứng. Điều đáng nói, vì tin lời mách bảo của hàng xóm, bệnh nhân N đã đến một cơ sở gần nhà bốc thuốc nam về uống khiến suýt nữa thì bà tắc ruột.
“Tôi thấy bụng đau và càng ngày càng to ra từ một năm trước. Đi khám tại một bệnh viện ở Bình Dương thì các bác sĩ nói tôi bị nhiễm trùng đường tiểu, viêm âm đạo… rồi cho uống thuốc. Điều trị mãi nhưng không khỏi bệnh. Mấy ngày nay tôi đau bụng quằn quại, nghe lời một người hàng xóm gần nhà, tôi đến một thầy thuốc nam để bốc thuốc uống. Tuy nhiên không hết mà càng nặng hơn, thậm chí không đi cầu được. Vào bệnh viện thì các bác sĩ bảo bị ung thư buồng trứng, suýt nữa thì tôi bị tắc ruột vì uống thuốc nam”, chị N nói.
Tiếp nhận và thăm khám cho bệnh nhân N, bác sĩ CK II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết với tình hình của bệnh nhân N, khả năng phẫu thuật lấy hết khối u ra ngoài là khó khăn vì tình hình bệnh nhân đã khá nặng, tiên lượng khối u khoảng 7-8 kg. “Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành hóa trị cho bệnh nhân N”, bác sĩ Tiến cho biết.
Theo Bác sĩ Tiến, phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị ung thư buồng trứng, nhất là độ tuổi từ 50-60 tuổi. Tuy nhiên, bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hóa. “Ung thư buồng trứng di truyền được thừa hưởng bởi gen bị lỗi được gọi là “ung thư di truyền”. Một người hoặc gia đình có tiền căn ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng, ung thư vú, hoặc ung thư buồng trứng nghĩa là bạn được thừa hưởng khả năng tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Ung thư di truyền chiếm khoảng 20% ung thư buồng trứng. Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ thừa hưởng gen lỗi BRCA1 hoặc BRCA2. (Những gen lỗi này được đặt tên theo sự kết nối với ung thư vú (Breast Cancer genes 1 và 2) nhưng cũng liên quan đến ung thư buồng trứng di truyền, ung thư vòi trứng và các loại ung thư khác). Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy những yếu tố nguy cơ trong lối sống, như hút thuốc lá, quá cân hoặc ăn thức ăn nhiều chất béo, cũng có thể gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng”, chuyên gia này phân tích.
Triệu chứng của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua, nhất là ở trẻ em. Hầu hết các bé gái được phát hiện ung thư khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2, 3. Khối u lớn gây chèn ép đến các bộ phận khác trong cơ thể. Thậm chí có trường hợp khối u bị vỡ gây chảy máu đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm khả năng điều trị khỏi càng cao, giảm biến chứng, di căn. Để phòng ngừa ung thư buồng trứng, trong chế độ ăn hằng ngày không nên nạp vào cơ thể chất béo từ động vật, nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc.
Những người có kinh nguyệt quá sớm hay quá trễ, người chưa lập gia đình khi thấy kinh nguyệt không đều, uống nhiều thuốc ngừa thai,... sử dụng nhiều thuốc nội tiết tố sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.