Mới đây, mỹ nhân 9x Ninh Dương Lan Ngọc bật mí thông tin về sức khoẻ sau khi sang Singapore kiểm tra tổng quát và chữa bệnh loét dạ dày nặng.
- Đây mới là lý do thực sự khiến Nhật Bản có tỉ lệ mắc ung thư thấp nhất thế giới
- Thực hư phương pháp điều trị ung thư chỉ cần ăn, không uống thuốc
Viêm loét dạ dày tái diễn nhiều lần sẽ có thể phát triển thành ung thư
Chia sẻ với truyền thông về sức khỏe của mình, Ninh Dương Lan Ngọc cho biết, sau khi uống thuốc điều trị viêm loét dạ dày đã tăng được 2kg. Tuy nhiên, bác sĩ tại Singapore cũng đã đưa ra lời cảnh báo với diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc nếu kéo dài tình trạng viêm loét có thể dẫn tới ung thư.
"Lúc đó, tôi mới ý thức 'cứu' lấy mình. Sau thời gian dùng thuốc, tôi đã tăng được hơn 2kg, sức khỏe và gương mặt tươi tắn hơn. Vừa qua, tôi có sang Singapore kiểm tra tổng quát và chữa bệnh loét dạ dày nặng.
Bác sĩ cho biết dạ dày của tôi bị loét nặng, chảy máu nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dễ dẫn đến ung thư ", Ninh Dương Lan Ngọc chia sẻ.
Trao đổi với GS Hoàng Công Đắc, Chuyên gia tiêu hoá, Bệnh viện Thanh Nhàn về nguy cơ ung thư do viêm loét dạ dày tái diễn nhiều lần, vị GS này cho biết, theo các nghiên cứu của các tác giả khác nhau tỷ lệ người bị viêm loét dạ dày có thể phát triển thành ung thư chiếm khoảng 10-15%.
Năm 2018, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 chiếm khoảng 10%, xếp sau ung thư gan và ung thư phổi. Bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao, nguyên nhân là do bệnh nhân tới bệnh viện muộn, khó khăn trong điều trị.
Thủ phạm dẫn tới ung thư dạ dày
Theo GS Đắc có hai nhóm nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày: ngoại sinh và nội sinh. Yếu tố ngoại sinh thường nhắc tới nhiều tới chế độ ăn uống. Thói quen ăn quá mặn của người Việt không chỉ gây hại cho tim mạch mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Ăn mặn làm cho lớp nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày bị phá huỷ, khiến cho các chất độc, các chất gây ung thư có trong thức ăn tác động tới niêm mạc gây ra tổn thương.
GS Đắc khuyến cáo: "Để tránh ung thư dạ dày nên ăn chế độ ăn nhạt. Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều muối như dưa cà, cá mắn, thịt hộp, đồ ăn chế biến sẵn".
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thịt chiên rán là một trong những nguy cơ có thể xuất hiện ung thư dạ dày. Vì ở nhiệt độ cao có thể biến các chất không gây ung thư thành các chất ung thư.
GS Đắc cho hay, một số thói quan có nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày phải kể tới đó chính là hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên…
Trong những năm gần đây, chúng ta nhắc tới thủ phạm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày nhiều đó là vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn sống trong môi trường axit của dạ dày. Loại vi khuẩn này chui sâu vào lớp niêm mạc dạ dày, tiết ra chất làm trung hòa axit HCl và làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc.
"Nhiễm vi khuẩn Hp có thể gây ra viêm loét dạ dày, viêm teo niêm mạc, viêm niêm mạc dị sản… và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày", GS Đắc nói.
Ngoài những yếu tố ngoại sinh, ung thư dạ còn có liên quan tới yếu tố nội sinh phải kể tới như: gen di truyền, đột biến gen (APC, CDH1, P53,P73…) nghiên cứu có liên quan tới căn bệnh ung thư dạ dày.
Triệu chứng của ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường rất mơ hồ, không đặc trưng như: khó tiêu, đầy bụng, đau âm ỉ thượng vị, đau bụng không phụ thuộc vào no đói. Các triệu chứng này ban đều chỉ thoảng qua sau đó bệnh tiến triển sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.
GS Đắc cho hay, cách phòng ung thư dạ dày tốt nhất là tránh các yếu tố nguy cơ đã kể trên. Với người có yếu tố nguy cơ cao như: viêm loét dạ dày có nhiễm vi khuẩn HP, viêm loét dạ dày tái diễn nhiều lần, người có yếu tố gia đình cần phải đi khám định kỳ.
Trong trường hợp có viêm loét dạ dày cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự chữa tại nhà để tránh biến chứng, khó khăn cho công tác điều trị.