Với những món ăn cần chiên rán, xào nấu nhiều dầu mỡ, tận dụng sản phẩm này giúp tiết kiệm kha khá cho người tiêu dùng nhưng ẩn họa sau đó thì khó lường.
Để những món ăn trong ngày Tết ngon hơn, nhiều bà nội trợ không tiếc dùng đẫm dầu mỡ để chiên rán. Nhất là các món cần độ giòn như nem rán, vốn là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết cổ truyền. Sau khi dùng xong, lượng dầu mỡ dư thừa còn lại kha khá. Bạn sẽ làm gì với đống dầu mỡ thừa này?
Nhiều người với tâm lý tiếc của, giữ lại dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần. Nhiều người khác thì lại dùng lượng dầu tái chế để nấu những món canh, xào... Chung quy lại, làm vậy tiết kiệm được khối dầu mỡ xào nấu.
Có thể nói, thói quen nhỏ này được rất nhiều người áp dụng. Nhất là trên mâm cơm Tết ngập ngụa các món ăn thấm đẫm dầu mỡ. Hầu hết những người có thói quen này đều cho rằng, thói quen này là tiết kiệm và sẽ không có vấn đề gì cả.
Nhiều người khác thì nhận định rằng, chỉ cần đảm bảo trong quá trình chiên rán thực phẩm ở nhiệt độ thấp thì dầu ăn còn thừa sau đó hoàn toàn có thể được sử dụng cho nhiều lần tiếp theo.
Vậy là vẹn cả đôi đường, chẳng phải lo phí dầu mỡ, tốn kém tiền bạc vì có thể sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều món ăn khác nhau. Thực tế, những suy nghĩ này có thực sự đúng đắn?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần hình thành thói quen ăn uống gây bệnh ung thư.
"Nguyên nhân là ngay cả khi mới chiên rán lần đầu xong, lượng dầu mỡ đó ít nhiều có mùi thức ăn cũ, gây ảnh hưởng đến món ăn mới. Không những thế, sau khi chiên rán lần đầu, loại dầu mỡ đó thậm chí có mùi khét, bị cháy. Nếu tiếp tục sử dụng sẽ làm thực phẩm mất đi hương vị thơm ngon và trở thành mầm mống gây bệnh ung thư", chuyên gia nói.
Chuyên gia nhấn mạnh, cặn bị cháy đọng lại sau khi chiên rán thực phẩm ở lần đầu vô cùng nguy hiểm, trong khi mắt thường không nhìn thấy hết. Đây chính là tác nhân gây bệnh cho con người, nhất là bệnh ung thư.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần cũng không còn giá trị >dinh dưỡng như ban đầu, các vitamin có trong dầu lúc này đã bị phá hủy.
Do đó, tốt nhất khi nấu ăn, chúng ta nên chú ý cân đối lượng dầu chiên rán, cần biết dùng đủ, không phải cứ đổ tràn trề rồi còn thừa nhiều để dùng cho những lần sau.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nhiều người cũng có suy nghĩ thay vì dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần thì dùng dầu ăn thừa đó đem xào nấu dần sẽ không còn nỗi lo mắc bệnh ung thư. Trong những ngày Tết, các món xào nấu được sử dụng nhiều nên có thể tận dụng để nấu ăn hàng ngày vừa tiết kiệm lại vừa không lo mắc bệnh.
Thực tế thì thói quen này cũng gây bệnh chẳng kém gì việc dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần bởi cặn thức ăn cháy vẫn có khả năng xâm nhập vào món ăn mới. Dùng về lâu dài, chắc chắn bạn sẽ mắc bệnh.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, bạn chỉ có thể tái sử dụng dầu ăn thêm một lần nữa trong trường hợp chắc chắn dầu của bạn nóng vừa đủ và chưa bị bốc khói. Một khi dầu nóng và đã vượt qua điểm bốc khói thì hãy đổ đi. Dầu đang sử dụng vượt qua điểm bốc khói khi bạn vặn lửa quá to, dầu sẽ bốc khói rất nhanh, trong khói có chất acreolin làm cay mắt. Loại dầu này cần vứt bỏ ngay.
Nếu bạn thực sự muốn sử dụng dầu ăn chiên rán cho lần sau, ngoài việc đảm bảo dầu chưa bốc khói cần lọc tất cả những hạt hoặc cặn thức ăn ra khỏi dầu, bảo quản trong bình kín. Đóng chặt nắp chai, bảo quản trong tủ có cửa đóng kín, quấn giấy bạc, hạn chế ánh sáng lọt vào.
Mặc dù vậy đây cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Cách tốt nhất vẫn là dùng lượng dầu vừa phải cho mỗi lần nấu ăn. Tránh uổng phí cũng như việc tái sử dụng để bảo vệ >sức khỏe, phòng tránh ung thư tối đa không chỉ trong kỳ nghỉ lễ dài.