Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận trên 600 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, số ca bệnh SXH tại huyện Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi đang có chiều hướng tăng mạnh.
Từ đầu tháng 11 đến nay, tại huyện Đức Phổ có từ 10 - 15 ca bệnh SXH được ghi nhận mỗi ngày. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một ổ dịch lớn tại thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn với hơn 40 hộ dân có người mắc bệnh.
Số ca mắc SXH tăng đột biến khiến Khoa Nhiệt đới của bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm (huyện Đức Phổ) quá tải. Trong vòng một tháng qua, bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm đã thu dung, điều trị cho gần 200 ca bệnh. Hiện có hơn 30 bệnh nhân đang điều trị nội trú trong khi Khoa Nhiệt đới chỉ có 25 giường bệnh, vì vậy bệnh viện buộc phải bố trí cho bệnh nhân nằm ghép.
Bác sĩ Trần Đình Nhân - Khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, cho biết: tình hình bệnh SXH đang diễn biến rất khó lường, nhiều trường hợp biến chứng nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
"Hiện chúng tôi đang tập trung hết nhân lực để điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt là theo dõi những ca bệnh nặng đề phòng các biến chứng như giảm tiểu cầu nhanh, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh", Bác sĩ Nhân thông tin.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận gần 600 ca mắc SXH. Số ca bệnh tập trung chủ yếu ở TP. Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ. Thống kê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 11 đến nay, Khoa Nhiệt đới của bệnh viện cũng đang điều trị cho trên 20 bệnh nhân mắc SXH mỗi ngày. Con số này tăng 4 lần so với ngày thường.
Theo ông Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, trước tình hình bệnh SXH có chiều hướng tăng mạnh, Trung tâm đã tăng cường chỉ đạo đơn vị tuyến huyện thực hiện các biện pháp phòng và chống dịch bệnh ở cộng đồng. Đồng thời, cấp phát hóa chất diệt muỗi cho người dân để chủ động ngăn không cho bệnh lây lan, bùng phát mạnh thành các ổ dịch lớn.
Theo ông Nên, thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ khiến mật độ muỗi tăng cao, tình hình dịch bệnh SXH sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành Y tế cùng chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các ca bệnh. Trên cơ sở đó sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống ngăn ngừa bệnh bùng phát.