Việc tiêu thụ thức ăn quá nhiều trong thời gian dài và chứa nhiều dầu, mỡ, gia vị cay, nóng có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, béo phì, mỡ máu, các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh mạn tính không lây về sau.
Theo thông tin từ Dân Trí, thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để cư dân mạng bắt gặp các video thử thách "ăn uống khổng lồ" từ các hàng quán tại TPHCM.
Hầu hết thử thách đều dựa trên mô típ chung, quán sẽ đưa món ăn từ vài kg đến vài chục kg cho một người tham gia. Nếu hoàn thành trong khoảng thời gian quy định, người này có thể nhận khoản tiền treo thưởng trước đó.
Thực chất, trào lưu này đã xuất hiện từ nhiều năm trước và thường xuyên được thực hiện bởi những youtuber nước ngoài với mục đích >giải trí. Bằng việc thu hút sự tò mò liệu người tham gia có thể chiến thắng hay không, mà các video này luôn nhận được sự quan tâm, tương tác lớn.
Tại TPHCM, trào lưu "ăn uống khổng lồ" này bắt đầu nở rộ từ video của quán Bún chả sứa Mến (quận 6, TPHCM) với thử thách tô bún gồm 1 kg bún, 1,2 kg đồ ăn kèm nước lèo. Nếu thắng người tham gia sẽ nhận ngay 1,3 triệu đồng, còn không ăn hết phải trả lại 300 nghìn đồng cho quán. Đặc biệt, nếu người chơi ăn hết 2 tô bún sẽ nhận ngay 30 triệu đồng.
Ngay sau đó, một cô bé tên Mai đã chiến thắng trong 78 phút và video của cô nhanh chóng nhận gần 12 triệu lượt xem.
Các hàng quán sau đó đã thử thách bé Mai bằng các mâm gà rán khổng lồ, chân gà khổng lồ, gỏi gà khổng lồ… Song cô đều hoàn thành xuất sắc giúp video trở thành chủ đề nóng.
Dựa vào lượt tương tác này, hàng loạt quán xá tại TPHCM bắt đầu nở rộ trào lưu "ăn uống khổng lồ". Trên nền tảng youtube cũng có hàng trăm clip ăn uống khổng lồ xuất hiện trong thời gian ngắn. Ví như tài khoản Mập Food, chủ kênh liên tục đăng tải các thử thách như ăn tô bún sứa 3kg nhận 1,3 triệu đồng, ăn bún bò 3kg nhận 1,4 triệu đồng, ăn bún riêu cua khổng lồ trong 30 phút nhận 1,2 triệu đồng…
Thậm chí ngay sau khi có tương tác cao, quán ăn còn nâng mức thưởng lên đến vài chục triệu đồng.
Trước vấn đề "ăn thùng uống vại" trong thời gian ngắn trên, dẫn tin từ Tuổi Trẻ, TS Trần Quốc Cường - phó trưởng bộ môn >dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho hay khi tham gia thử thách ăn phần ăn khổng lồ, điều đầu tiên là dễ bị đau dạ dày. Con người có thể tích dạ dày chứa một lượng thức ăn, nước uống nhất định. Khi ăn, uống một lượng thức ăn quá nhiều trong một khoảng thời gian hạn chế để tham gia thử thách là một điều hết sức nguy hiểm.
Khi dạ dày bị giãn ra, thức ăn có thể tiêu hóa không kịp dẫn đến chúng đi ngược từ dạ dày lên thực quản mà dạ dày có các chất giúp tiêu hóa thức ăn, còn thực quản thì không. Do đó trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra tình trạng viêm thực quản, ảnh hưởng không nhỏ đến> >sức khỏe. Ngoài ra, ăn uống quá mức bình thường còn có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa,> viêm tụy cấp.
"Việc tổ chức >thử thách ăn uống quá nhiều như thế chỉ góp phần thu hút người tham gia, tăng độ nổi tiếng cho quán. Ngoài số ít người chơi có sức ăn lớn thắng giải, còn lại rất nhiều trường hợp thất bại, họ vừa mất tiền vừa chịu ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu nghiêm trọng phải được đưa đến bệnh viện nội soi, thăm khám, vừa mất sức vừa tốn thêm tiền" - TS Cường nhấn mạnh.
Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết việc tiêu thụ thức ăn quá nhiều trong thời gian dài và chứa nhiều dầu, mỡ, gia vị cay, nóng có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, béo phì, mỡ máu, các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh mạn tính không lây về sau.
"Dạ dày được coi là cái túi chứa thức ăn bằng cơ trơn có khả năng phình giãn cực kỳ lớn. Khi ăn lượng lớn thức ăn trong thời gian dài sẽ làm căng giãn dạ dày quá mức. Mặt khác thức ăn lưu giữ trong dạ dày chỉ khoảng 4 giờ, do vậy nếu bị căng giãn quá mức, khả năng nhào trộn kém sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về tiêu hóa: đau bụng, viêm dạ dày - ruột cấp tính, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đại tiện phân sống", bác sĩ Hiếu cho hay.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạn tính không nên tham gia hoặc nên hạn chế việc xem những video tiêu thụ lượng thức ăn lớn trong thời gian ngắn. Vì lý do gì đó muốn tham gia, phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ để phù hợp với bệnh lý của mình.