Chỉ từ một tổn thương dạng đốm màu đen ở gót chân, người đàn ông được chẩn đoán ung thư tế bào hắc tố; người phụ nữ có vết bong vẩy ngay cánh mũi, chị vẫn đinh ninh là bị nấm, tiêm, bôi kháng sinh mãi khỏi, đến khi vết loét lan rộng đến viện được chẩn đoán ung thư da.
Phát hiện ung thư da từ đốm màu đen ở gan bàn chân
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên là Tạ Quang S. (54 tuổi), vào viện vì một tổn thương dạng đốm màu đen ở mặt gan bàn chân trái.
Bệnh nhân cho biết, ban đầu đốm màu đen rất nhỏ, tồn tại nhiều năm, không đau, không ngứa nên bệnh nhân cũng không chú ý.
Trước đó 3 năm, thấy đốm đen lớn dần, đến hơn 1cm nhưng do đốm đen không gây đau, không gây biểu hiện gì khó chịu nên anh vẫn chủ quan không đi khám.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân thấy tổn thương to lên nhanh và xuất hiện các chấm đen xung quanh nên đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết, tại thời điểm vào viện khám, tổn thương của bệnh nhân với các đặc điểm méo mó, bờ không rõ, màu sắc không đều hơi gờ cao kích thước khoảng 2x3cm ở gót chân trái.
"Đây là một tổn thương tăng sắc tố bất thường và tại vị trí có nguy cơ là bệnh lý ác tính cao của da đó là ung thư tế bào hắc tố", BS Quang cho biết.
Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tổn thương, gửi xét nghiệm tế bào; sử dụng những xét nghiệm công nghệ cao là hóa mô miễn dịch dùng những chất đặc hiệu để phát hiện ra các tế bào ung thư, kết quả cho thấy, bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố.
Một bệnh nhân khác, nữ 48 tuổi (Giao Thuỷ, Nam Định) với tổn thương sát cánh mũi nhưng chỉ nghĩ mình viêm da, nhiễm nấm đã tiêm kháng sinh cả tháng không khỏi. Nhưng nghĩ tổn thương cũng còn "xa ruột", chị lần nữa đến 4 năm sau mới đi khám khi tổn thương lan rộng, được chẩn đoán nguy cơ tổn thương ung thư da.
Cần khám sớm nếu thấy bất thường trên da
ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng cho biết, nam bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố thể tại chỗ. Các tế bào ung thư chỉ có ở lớp trên cùng của da (lớp thượng bì) mà chưa xâm lấn xuống trung bì hay các tổ chức mô xung quanh và chưa phát hiện xâm lần hay di căn.
Vì thế, bệnh nhân này đã được tiến hành cắt rộng tổn thương loại bỏ hết tổ chức ung thư và ghép da che phủ. Đến ngày thứ 7, miếng da ghép hồng hào và đang phát triển tốt.
BS Nguyễn Hữu Quang cho biết, ung thư tế bào hắc tố là dạng ung thư ác tính nhất của da. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, khối u chưa xâm lấn điều trị tiên lượng tốt.
Theo đó, có tới trên 95% bệnh nhân bệnh nhân ở giai đoạn ung thư tế bào hắc tố tại chỗ có thể sống được trên 5 năm hay thậm chí có tuổi thọ như người bình thường. Khi đã có xâm lấn di căn rồi thì tỷ lệ sống được 5 năm thấp.
Ths.BS Nguyễn Hồng Sơn cảnh báo, khi trên da có một tổn thương dạng đốm màu đen, đặc biệt là lòng bàn tay chân và lại có các tính chất như méo mó, bở viền không rõ, không đều màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt, nổi gờ và đặc biệt là khi nó có tiến triển tăng lên về kích thước theo thời gian thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Trên da xuất hiện tổn thương dạng u sẩn, cục, thường xuất phát trên nền tổn thương da lành, sau đó xuất hiện tổn thương nhỏ ở đường bờ viền; sởn dạng hạt ngọc ung thư (hơi gồ, bóng) kèm các dấu hiệu xung quanh: giãn mạch, tăng sinh mạch xung quanh (thể hiện có mạch máu nuôi tổ chức u), có tình trạng loét, đóng vẩy tiết; tổn thương theo hướng thay đổi màu sắc, gây loét; nốt ruồi phát triển to lên trong thời gian ngắn; tổn thương sẹo cũ, vết loét điều trị lâu ngày không đỡ….cũng cần tới viện khám sớm.
Với người châu Á, ung thư da hay gặp vị trí liên quan các vùng cực đầu ngón tay, ngón chân, tổn thương ở gót chân chiếm 60% ung thư sắc tố.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi năm tiếp nhận 300 – 400 bệnh nhân phẫu thuật do ung thư da.