Không bệnh thành có bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh hiểm nghèo. Đó là sự thật về chiêu trò “vẽ bệnh, moi tiền” xảy ra liên tục tại một số phòng khám ở TP.HCM.
Từ đầu năm đến nay, các >phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc liên tục bị bệnh nhân tố “vẽ bệnh, moi tiền”. Dù nhiều phòng khám đã bị Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, xử phạt, tình trạng này vẫn không cải thiện.
Mới đây, Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương (địa chỉ 34-36 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) bị nhiều bệnh nhân tố vẽ bệnh, chỉ định phẫu thuật quá mức cần thiết, tiền mất tật mang. Trước đó, phòng khám này đã bị Sở Y tế TP.HCM quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng vì hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép.
Thực tế, đây không phải là phòng khám có yếu tố Trung Quốc duy nhất bị bệnh nhân tố lừa đảo nhưng vẫn tiếp tục hành nghề.
Bổng nhiên mắc bệnh lậu
Trong vai bệnh nhân đến khám nam khoa, hai phóng viên của VOV đến Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương bị các nhân viên tại đây vẽ ra nhiều thứ bệnh kinh hãi.
Sau khi làm xong xét nghiệm, một phiên dịch viên kết luận hai bệnh nhân đều mắc bệnh lậu dễ gây biến chứng, cần chữa trị cắt bao quy đầu ngay. Tuy nhiên, từ phòng khám này, hai phóng viên được cho là mắc bệnh lậu đến Bệnh viện Bình Dân TP.HCM kiểm tra lại. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân âm tính với phế cầu lậu.
“Nếu mắc bệnh lậu mà cắt bao quy đầu sẽ gây viêm nhiễm nặng hơn”, bác sĩ Bệnh viện Bình Dân cảnh báo.
Đầu năm 2017, Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương từng gây chấn động sau vụ tố “vẽ bệnh, moi tiền” của một nữ bệnh nhân tại quận 2. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị tố lừa đảo, phòng khám này vẫn tiếp tục hoạt động.
Phiên dịch khám bệnh, ra giá tại bàn khám
Tháng 4, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã thâm nhập Phòng khám Đa khoa Khang Thái (địa chỉ 87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM) để tìm hiểu hành vi "vẽ bệnh", hù dọa bệnh nhân để moi tiền.
Sau khi làm 5 xét nghiệm với giá 900.000 đồng, bệnh nhân được kết luận tuyến tiền liệt bị vôi hóa, tràn dịch ngoài màng tinh. Tại bàn khám, bà Lưu Quí Chi (có nhiệm vụ phiên dịch) trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân.
Người phụ nữ này đã “vẽ” ra nhiều bệnh hiểm nghèo khiến bệnh nhân hoang mang. Điều đáng nói là bà Chi còn đưa ra giá tiền điều trị ngay thời điểm người bệnh đang nằm trên bàn khám với lời lẽ hù dọa.
Giữa tháng 4, Thanh tra Sở Y tế đã đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND TP.HCM phạt phòng khám này trên 240 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng.
Ép ký hóa đơn trên bàn mổ
Ngày 9/7, nam bệnh nhân 25 tuổi, ngụ tại Quảng Nam, viết đơn kêu cứu sau khi bị Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu (địa chỉ số 80 Châu Văn Liêm, Phường 11, Quận 5, TP.HCM) "vẽ" bệnh để thu tiền.
Theo VTC News, bệnh nhân cho biết dù không được thăm khám và thông tin tình trạng bệnh, anh vẫn bị các nhân viên tại đây làm thủ thuật cắt bao quy đầu. Trong lúc đau đớn, bệnh nhân bị nhân viên phòng khám ép ký tên vào giấy báo phí điều trị có giá 5,8 triệu đồng.
Sau khi xong tiểu phẫu, phòng khám này đề nghị thu của bệnh nhân tổng cộng 11,7 triệu đồng. Quá lo lắng, bệnh nhân đến bệnh viện khác để kiểm tra lại thì phát hiện dương vật suýt bị hoại tử do bị nhân viên phòng khám băng bó quá chặt.
Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Hoàn Cầu, một trong số những phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc hoạt động do Sở Y tế TP.HCM quản lý.
Cuối năm 2018, phòng khám này từng bị cơ quan quản lý phạt gần 200 triệu đồng với hàng loạt sai phạm gồm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật…
Bị tước giấy phép vẫn hoạt động moi tiền
Phòng khám Đa khoa Mayo (địa chỉ số 35B-35C đường 3/2, phường 11, quận 10, TP.HCM) là một trong 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tại TP.HCM liên tục bị phát hiện sai phạm, Sở Y tế TP.HCM đã công bố sai phạm, đình chỉ hoạt động. Phòng khám này cũng bị kiện nhiều lần, kể cả lúc đang tạm dừng hoạt động.
Trả lời trên Người Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho hay phòng khám này bị đình chỉ hoạt động và đến hết tháng 5/2019, cơ sở này phải hoàn tất thủ tục, gửi hồ sơ về sở. Tuy nhiên, hiện phòng khám chưa thực hiện động thái này.
Theo phản ánh của Pháp Luật Việt Nam, dù đang bị tước giấy phép hành nghề, Phòng khám Đa khoa Mayo vẫn hoạt động khám chữa bệnh, thậm chí nhận phá những thai lớn không được Bộ Y tế cho phép.
“Với những thai lớn như thế này thì không thể đặt thuốc cho ra thai được mà phải dùng kỹ thuật để lấy thai ra. Chi phí từ 7-10 triệu đồng”, vị bác sĩ của phòng khám này nói với thai phụ mang thai trên 15 tuần tuổi.