Khi người dân tới nội soi, phòng khám Trung Quốc chiếu lên màn hình bàng quang bị ung thư nhưng đó lại không phải của người bệnh.
- Những "siêu thực phẩm" bác sĩ khuyên ăn mỗi ngày giúp điều trị béo phì, ung thư và nhiều bệnh khác
- Bỗng chán ăn, người phụ nữ 39 tuổi đi khám phát hiện ung thư dạ dày di căn
Trong phiên chất vấn ngày làm việc thứ 3 kỳ họp 12 HĐND TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn Giám đốc Sở y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh về tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài.
Bà Tố Trâm còn nêu tên phòng khám Trung Trực đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 đã tồn tại lâu nay, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận, việc xử lý vi phạm của các phòng khám Trung Quốc hiện nay còn nhiều bất cập.
Theo ông Bỉnh, trên địa bàn TP có 12 phòng khám Trung Quốc và sở này đã nhận được nhiều ý kiến tố giác các phòng khám này và cũng đã cho đi kiểm tra nhiều lần.
Sai phạm của các phòng khám Trung Quốc là thiếu nhân lực, có bác sỹ đăng ký nhưng khi thực hiện khám bệnh cho người dân thì lại không có bác sỹ. Các hồ sơ sổ sách liên quan đến việc khám chữa bệnh cho bện nhân đều không có.
Giám đốc Sở y tế TP nói rằng các phòng khám Trung Quốc dùng những phương thức lừa gạt tinh vi để lừa gạt người bệnh, kể cả việc dùng công nghệ thông tin.
“Khi người bệnh đến khám, họ chiếu lên màn hình bàng quang bị ung thư nhưng thực tế đó không phải hình ảnh của người bệnh nhưng rất khó để phát hiện ra. Ngay cả cán bộ tới kiểm tra cũng không biết được”, ông Bỉnh nói và cho biết, đoàn kiểm tra phải mời bác sĩ từ bệnh viện đi cùng mới nhận ra được.
Một chiêu thức tinh vi khác của các phòng khám Trung Quốc là dùng quảng cáo online để lừa người dân. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ TT&TT cũng chưa có quy định xử phạt những hành vi quảng cáo này.
Người đứng đầu ngành y tế TP còn nói việc chính các bác sỹ người Việt cũng tham gia tiếp tay cho các hoạt động lừa đảo của các phòng khám này.
“Các bác sỹ người Việt cộng tác với các phòng khám có ghi tên nhưng thực tế là không khám bệnh ở đây. Chính các bác sỹ này cũng tiếp tay cho các phòng khám Trung Quốc lừa đảo”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.
Xử phạt không đủ sức răn đe
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nói thời gian qua, Sở thường xuyên phối hợp với PA 83 (Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP) để xử lý các phòng khám Trung Quốc vi phạm.
Tuy nhiên, việc xử phạt các phòng khám Trung Quốc hiện nay còn nhiều bất cập, như mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
“Sở đã cho đình chỉ 3 phòng khám từ bốn tháng rưỡi đến 6 tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng thì họ mở lại. Có khi đình chỉ thì họ lại mở phòng khác để người khác đứng tên. Nếu rút giấy phép hành nghề của bác sỹ Trung Quốc vi phạm thì họ lại đưa người khác sang”, ông Bỉnh cho hay.
Với thực trạng nêu trên, ông Bỉnh kiến nghị Bộ Y tế cần tăng mức xử phạt cao hơn. Đồng thời cần phải có các phần mềm để phát hiện những hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
Về giải pháp trước mắt, ông Bỉnh cho hay, Sở Y tế đang tập trung vào việc xử lý 12 phòng khám có yếu tố nước ngoài là các phòng khám Trung Quốc. Đối với các bác sỹ đăng ký chữa bệnh tại các phòng khám này, nếu kiểm tra mà không có bác sỹ khám bệnh sẽ rút giấy phép hành nghề.
“Các phòng khám sau thời gian đình chỉ, muốn hoạt động trở lại thì phải thông qua thẩm định của hội đồng chuyên môn, đủ điều kiện hoạt động thì mới cho mở lại”, ông Bỉnh nói.