Danh hài Chí Tài vừa qua đời sau khi bị đột quỵ. Những nguyên nhân gây ra bệnh đột quỵ mà nghệ sĩ này mắc phải là gì và bệnh này có phòng ngừa được không?
Theo chia sẻ của PGS.TS. Mai Duy Tôn, Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như: bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…
Ngoài ra, bệnh đột quỵ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
Khi chẳng may >bị đột quỵ, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ. Với các dấu hiệu điển hình như:
Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người)
Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;
Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;
Đột ngột đau đầu dữ dội;
Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị bỏ qua thời gian vàng để phục hồi và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Mặc dù đột quỵ là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được. Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch, phòng bệnh đột quỵ tốt nhất bằng các tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu; Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài…
Những người có nguy cơ cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch… bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra >sức khỏe định kì để có sự điều chỉnh phù hợp.
Những thói quen xấu dễ dẫn tới đột quỵ
Không giữ ấm cơ thể vào mùa đông: Khi cơ thể bị lạnh sẽ dẫn đến bị tê bì tay chân, đau tức ngực, tăng huyết áp… dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ cơ tim… Vì vậy, trong mùa đông nên giữ ấm cơ thể, nhất là lúc sáng sớm và buổi tối, nếu phải ra đường, cần bịt khăn, khẩu trang, giữ ấm đầu, cổ, chân tay…
Đi thể dục buổi sáng quá sớm: Thói quen thể dục ngoài trời sáng sớm mùa đông lại không tốt cho người cao tuổi và người mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp. Bởi bệnh nhân tăng huyết áp thường có cơn tăng huyết áp vào sáng sớm. Sáng ngủ dậy mặc không đủ ấm, lại đang bị tăng huyết áp thì rất dễ xảy ra đột quỵ.
Ngồi bật dậy ngay sau khi tỉnh giấc buổi sáng: Sáng sớm vừa ngủ dậy là lúc huyết áp tăng cao, nếu ngồi bật dậy ngay khi tỉnh giấc sẽ khiến huyết áp càng tăng, tư thế thay đổi đột ngột và sẽ dễ dẫn đến đột quỵ. Nhất là với những người có sẵn bệnh lý tim mạch, tỉnh giấc ngồi bật dậy ngay sẽ dễ dẫn đến bị đột quỵ.
Tắm đêm: Thường xuyên tắm đêm, nhất là tắm nước không đủ ấm sẽ khiến cơ thể có phản xạ, bị co thắt các mạch máu gây nên cơn tai biến, đau tim đột ngột và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Uống nhiều bia, rượu: Uống nhiều rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, yếu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau tim khiến lưu thông máu kém gây ra hiện tượng khó thở do thiếu oxy, mệt mỏi, gây tăng huyết áp, đột quỵ, suy giảm trí nhớ…
Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá là một trong những nguy cơ cao làm tổn thương mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ.
Thường xuyên thức khuya: Khi thức quá khuya hoặc tâm trạng quá căng thẳng, lo lắng, áp lực, các hormone trong mạch máu có thể khiến cảm xúc bùng phát, chúng sẽ tiếp tục tiết ra các chất adrenaline, có thể gây ra bất thường trong mạch máu và gây đột quỵ.
Ăn ít rau củ quả: Chế độ ăn ít rau củ quả, ăn nhiều thịt là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì và gia tăng bệnh huyết áp, tim mạch, yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ.