Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp thường xuất hiện ở người cao tuổi và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe.

06:19 04/09/2024

Theo thống kê hiện nay, cứ 4 người trưởng thành ở Việt Nam có 1 người mắc tăng huyết áp. Tuy nhiên, chưa đến một nửa trong số những người tăng huyết áp biết được tình trạng bệnh của mình. Cứ 5 trường hợp tử vong, có 1 trường hợp liên quan đến tăng huyết áp. Những con số này cảnh báo bạn nên chú ý đến> >sức khỏe của những người thân trong gia đình, đừng bỏ qua những dấu hiệu dù là nhỏ nhất.

Chảy máu mũi

Chảy máu mũi hay chảy máu cam là hiện tượng thường thấy khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc một số người bị áp lực, stress. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng là một trong những dấu hiệu cho biết huyết áp của người bệnh đang tăng cao. Huyết áp tăng cao kích thích chảy máu cam và khiến lượng máu chảy ra nhiều hơn ở mỗi lần. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị huyết áp cao cũng có chứa thành phần làm loãng máu khiến tình trạng chảy máu mũi càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Những cơn đau đầu xuất hiện liên tục và dữ dội

Đau đầu là một hiện tượng thường thấy khi tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu nhỏ tại não, gây ra hiện tượng đau đầu căng thẳng, đây là dấu hiệu sớm của tai biến do tăng huyết áp.


Đau đầu là một hiện tượng thường thấy khi tăng huyết áp - Ảnh minh họa: Internet

Choáng váng và chóng mặt

Chóng mặt là biểu hiện thường gặp ở những người bị tăng huyết áp. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị choáng đột ngột, mất thăng bằng khiến việc đi lại khó khăn và có thể dẫn đến đột quỵ.

Nôn và buồn nôn

Dấu hiệu này thường gây nhầm lẫn rằng bệnh nhân chỉ đang bị trào ngược dạ dày hay những cơn đau bao tử thông thường. Một vài cơn đau bụng, buồn nôn do nhồi máu cơ tim sẽ giống cơn đau nặng bụng, khó tiêu mà không phải đau nhói.

Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc

Khi huyết áp tăng, có thể khiến máu ở kết mạc chảy ra khỏi lòng mạch và len vào khoảng không giữa kết mạc và củng mạc tạo một vệt như vết dầu loang hoặc đội vòng kết mạc lên.

Thông thường sau 1-2 tuần xuất huyết sẽ tan, một số ít có thể tan trong 2-3 tuần.


Khi huyết áp tăng, có thể khiến máu ở kết mạc chảy ra khỏi lòng mạch - Ảnh minh họa: Internet

Tê hoặc ngứa ran các chi

Thấy tê hoặc ngứa râm ran ở các chi cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh đột quỵ do huyết áp tăng gây ra. Khi người bệnh bị tăng huyết áp liên tục và không được kiểm soát được, thì cần chú ý, vì đây có thể là lý do dẫn đến sự tê liệt các dây thần kinh ở trong cơ thể.

Bất cứ triệu chứng nào dù là buồn nôn, chóng mặt, chảy máu mũi, tức ngực… đều có thể là dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm các bệnh về huyết áp cho mình và cả gia đình. Hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được điều trị nếu bạn gặp phải một trong những dấu hiệu trên.

Theo Minh Thư (TH)/Phụ Nữ Sức Khỏe