Chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không chỉ bằng cách thay đổi những gì chúng ta ăn mà còn cả thời gian ăn.
Các nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện ra >ăn sáng sau 9 giờ sáng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 lên 59%, so với những người ăn sáng trước 8 giờ sáng.
Trong khi đó, bỏ bữa sáng hoàn toàn cũng không tốt. Những người không ăn sáng cũng có nguy cơ phát triển tình trạng này cao hơn.
Đây là kết luận chính của một nghiên cứu mà Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) - một tổ chức được hỗ trợ bởi Quỹ "la Caixa" - thực hiện với hơn 100.000 người tham gia. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế.
Nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha cho biết kết quả cho thấy chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không chỉ bằng cách thay đổi những gì chúng ta ăn, mà cả thời gian ăn. Tiến sĩ Anna Palomar-Cros, nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Về mặt sinh học, điều này có ý nghĩa vì bỏ bữa sáng được cho là có ảnh hưởng đến sự kiểm soát glucose và lipid, cũng như nồng độ insulin.
Điều này phù hợp với 2 phân tích tổng hợp kết luận rằng bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Chúng ta biết rằng thời gian bữa ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học, kiểm soát glucose và lipid, nhưng rất ít nghiên cứu đã tìm hiểu mối quan hệ giữa thời gian bữa ăn hoặc nhịn ăn với bệnh tiểu đường loại 2".
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ăn tối muộn (sau 10 giờ tối) dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Trong khi đó, ăn thường xuyên hơn (khoảng 5 lần/ngày) có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng bữa ăn đầu tiên trước 8 giờ sáng và bữa ăn cuối cùng trước 7 giờ tối có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2", Manolis Kogevinas, nhà nghiên cứu ISGlobal và đồng tác giả của nghiên cứu kết luận.
Các chuyên gia phát hiện ra rằng điều này là do sự trao đổi chất của bạn cần phải được giữ phù hợp với đồng hồ bên trong cơ thể, được gọi là nhịp sinh học. Đồng hồ sinh học của cơ thể phản ứng với ánh sáng, như một tín hiệu để tỉnh táo vào ban ngày và ngủ vào buổi tối. Mô hình ăn uống của bạn nên tuân theo điều này.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng nghiêm trọng khi mức độ đường trong máu của bạn quá cao. Nó có thể xảy ra khi cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin, hoặc insulin mà nó sản xuất không hiệu quả.
Insulin là một loại hormone hoạt động như một chìa khóa. Nó "mở khóa" các tế bào của cơ thể để cho phép glucose vào. Không có insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu của bạn.
Có hai loại bệnh tiểu đường chính, loại 1 và 2. Cả 2 loại đều nghiêm trọng.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 1, cơ thể bạn không thể sản xuất bất kỳ insulin nào. Tiểu đường loại 2 có nghĩa là bạn không thể sản xuất đủ insulin hoặc nó không hoạt động hiệu quả và có liên quan đến các yếu tố lối sống. Bệnh tiểu đường loại 2 cũng liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, chẳng hạn như chế độ ăn uống không lành mạnh, không hoạt động thể chất và hút thuốc.
Tình trạng này thường gặp ở những người lớn tuổi, nhưng các chuyên gia trước đây đã cảnh báo rằng căn bệnh này hiện đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn ở những người dưới 40 tuổi.
Các dấu hiệu phổ biến cảnh báo bạn có thể bị tiểu đường bao gồm:
- Đi vệ sinh nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
- Thường xuyên khát nước
- Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường
- Giảm cân bất thường
- Ngứa ở bộ phận sinh dục
- Vết thương lâu lành
- Mờ mắt
Theo nguồn: Thesun, Isglobal