Bác sĩ Hùng cho hay, bệnh nhân khi chuyển ra đã có chèn ép chứ không tự nhiên chuyển viện, như vậy, "việc mổ nhầm phải xem lại cách diễn đạt".
"Tôi bị viêm tủy chứ không phải u tủy"
Theo phản ánh của anh Nguyễn Bá D. (SN 1986, Thạch Hà, Hà Tĩnh), cách đây hơn 4 tháng, anh có đi khám tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh vì lý do bị tê đầu ngón tay phải khi gập cổ xuống.
Tại đây, anh D. được chụp cộng hưởng từ đốt sống cổ và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, nghi u tủy cổ. Sau đó, anh được hướng dẫn chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
"Đầu tháng 3/2019, tôi ra nhập viện Bạch Mai, tôi chờ đến ngày 14/3 thì được mổ. Trong quá trình đó, tôi chỉ được bác sĩ cho đi xét nghiệm máu, chụp X-quang phần ngực, không liên quan đến phần mổ, bởi lẽ ra, phải cho chụp lại cộng hưởng từ.
Cũng vì nghe mình bị u tủy và tin tưởng vào khoa học, bác sĩ nên tôi quyết định mổ cổ. Sau khi mổ xong bác sĩ mổ có tên Đồng Đức C. báo với người nhà là ca mổ khá thành công, nhưng chỉ tiếc là không lấy được hết u do vị trí khó.
Còn tôi sau khi tỉnh dậy toàn thân tê bì mất hết cử động tứ chi", anh D. cho hay.
Theo anh D., sau khi mổ 5 ngày, anh được chuyển xuống khoa Đông y để điều trị phục hồi chức năng. Nhưng sau đó, mọi cử động không có thấy không tiến triển nên người nhà anh đã lên gặp bác sĩ mổ để hỏi và xin phác đồ điều trị.
Khi đó, bác sĩ chỉ định cho đi chụp lại cộng hưởng từ nhưng chụp xong phim bị nhoè không xem được. Tiếp đó, bác sĩ chỉ định cho người nhà lấy mẫu sinh thiết lấy ra lúc mổ, đưa sang Bệnh viện Việt Đức để xét nghiệm lại.
"Các kết quả xét nghiệm ở BV Việt Đức và bác sĩ mổ sau đó cũng kết luận, tôi bị viêm tủy chứ không phải u tủy. Với viêm tủy thì không phải mổ mà có thể tự lành. Tuy nhiên, không hiểu tại sao bác sĩ lại cho mổ như vậy", anh D. chia sẻ.
Anh cho rằng các bác sĩ có phần "tắc trách, chủ quan" khi không xem xét kỹ lại, tiến hành mổ, khiến anh từ một lao động chính trong gia đình giờ vẫn chưa đi lại được, tê bì, mất cảm giác toàn thân, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác.
"Người tôi bị sụt mất 11 - 12kg, phải ngồi xe lăn, toàn thân căng co, mức độ tê bì, kéo cơ từ lưng, bụng vẫn còn nguyên và tay trái cử động được vừa vừa, bằng khoảng 50% trước đây còn tay phải gần như không cầm, nắm được. Hai chân gần như yếu, liệt...", anh D. nói thêm.
Nam bệnh nhân này cũng thông tin, sau khi được ra viện từ ngày 24/4 đến nay, anh chuyển về Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh để tập phục hồi chức năng, nhưng kết quả vẫn không có tiến triển gì.
Ngày 26/6, anh tiếp tục được gia đình đưa ra một bệnh viện khác để chụp cộng hưởng từ và được kết luận bị thoát vị đĩa đệm, bị tổn thương tủy ngang và dính tủy (nghi do phẫu thuật).
Anh D. nói, gia đình sau đó, đã đưa kết quả cho bác sĩ mổ ở bệnh viện Bạch Mai xem nhưng chỉ nhận được kết luận, không có thuốc chữa, chỉ có phục hồi chức năng 1 năm, nếu không có tiến triển thì chấp nhận.
Bước đầu đánh giá việc này không có bất thường về mặt chuyên môn
Trao đổi với PV vào sáng 10/7, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông đã đọc được thông tin phản ánh của bệnh nhân qua Facebook.
Ông nói, hiện phía bệnh viện đang tiến hành xác minh, làm việc với Khoa Phẫu thuật thần kinh để có thông tin cụ thể về tình trạng trước khi mổ như thế nào.
BS Hùng đánh giá bước đầu, theo phản ánh, việc này không có bất thường về mặt chuyên môn. Bởi, bệnh nhân chuyển ra chẩn đoán là u, như vậy đã thấy một khối choán chỗ ở tủy còn bản thân đây là u viêm hay u ác tính sẽ xem xét sau.
Thêm vào đó, theo ông Hùng, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh có chẩn đoán đối với bệnh nhân, chắc chắn đã phải chụp phim rất tốt. Khi ra Bạch Mai, tùy theo nếu sử dụng được dữ liệu trên phim của bệnh viện thì không chụp lại vì lãng phí và nguy hiểm. Việc chụp lại hay không chụp lại không phải là bắt buộc.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân khi chuyển ra đã có chèn ép chứ không tự nhiên chuyển viện. "Như vậy việc mổ nhầm phải xem lại cách diễn đạt", ông Hùng nói và cho hay, bệnh viện đang cho kiểm tra lại cụ thể trường hợp này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.