Bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền - người có chuyên môn chính răng-hàm-mặt được phân công trực khoa Sản - chia sẻ ông suýt ngất khi nhìn thấy bé sơ sinh khi mới được đưa ra và hình ảnh khủng khiếp này ảm ảnh ông suốt mấy đêm nay.
- Vụ trẻ sơ sinh ở Hà Tĩnh tử vong, bác sỹ kéo đứt cổ bé rồi tự tay khâu lại
- Vụ thai nhi tử vong với vết đứt ở cổ: Sở Y tế xác nhận có sai sót chuyên môn
Liên quan đến vụ trẻ sơ sinh tử vong với vết thương dài trên cổ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), để phục vụ cho công tác điều tra, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã tạm đình chỉ công việc đối với bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền (người được phân công trực chính tại khoa Sản vào thời điểm xảy ra sự việc) cùng 2 nữ hộ sinh là Hoàng Thị Trinh và Hoàng Thị Định.
Chưa hết sự ám ảnh và bàng hoàng, bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền cho hay ông là bác sĩ đa khoa có học về chuyên ngành sản nhưng chuyên môn chính vẫn là răng-hàm-mặt. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự việc, ông là người được phân công trực chính tại khoa Sản.
"Đó là một ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời hơn 38 năm làm nghề y của tôi. Chứng kiến sự việc cháu bé bị gần lìa cổ khi được các y bác sĩ đưa ra khiến khiến tôi suýt ngất tại phòng sinh và phải chạy ra ngoài để trấn tĩnh lại tinh thần. Cho đến hôm nay, sự việc đã qua được mấy ngày nhưng không đêm nào tôi ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là thấy hình ảnh đầy ám ảnh đó lại hiện ra"- bác sĩ Quyền nói.
Bác sĩ Quyền cho biết thêm khi xảy ra sự việc, có ông cùng 2 nữ hộ sinh Hoàng Thị Trinh và Hoàng Thị Định. Trong lúc đỡ đẻ cho sản phụ, 2 nữ hộ sinh gặp khó khăn, chỉ đầu cháu bé ra ngoài nên họ đã gọi điện báo cho bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, lên hỗ trợ.
Khoảng vài phút sau, bác sĩ Đức có mặt cùng ê-kíp tiếp tục đỡ đẻ cho sản phụ, trong lúc thực hiện, đầu cháu bé bị đứt lìa, bác sĩ buộc phải đưa thai nhi ra ngoài rồi khâu lại vết đứt ở cổ trước khi thông báo cho chồng sản phụ.
Lý giải về việc vì sao mình là bác sĩ chuyên khoa răng-hàm-mặt nhưng lại có mặt trong sự việc trên, bác sĩ Quyền cho biết: "Hôm đó (30-6), lãnh đạo bệnh viện phân công tôi trực sản và hỗ trợ vòng ngoài với các nữ hộ sinh. Do từ trước tới nay tôi chưa từng đỡ đẻ và lại không phải chuyên khoa sản nên tôi chỉ hỗ trợ hộ sinh, họ bảo gì tôi làm nấy và viết vào hồ sơ như vậy, ngay cả lúc đỡ đẻ tôi cũng chỉ đứng cạnh, không được đụng vào bất cứ thứ gì".
Ngoài ra, vị bác sĩ này cũng cho biết ông bất ngờ trước phát ngôn của ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, khi cho rằng ông là người chỉ định sản phụ thực hiện xét nghiệm máu, tổng hợp phân tích nước tiểu, theo dõi tim thai và cơn co tử cung.
Bác sĩ Quyền cho biết bản thân ông hôm đó là người trực chung nên lúc hộ sinh xin ý kiến xét nghiệm và làm các thủ tục, ông đồng ý nhưng không trực tiếp làm gì.
Liên quan đến vụ việc, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, thừa nhận chính ông là người kéo trẻ sơ sinh ra. Tuy nhiên, lúc ông có mặt và trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ thì cháu bé đã tử vong trước đó.
Vị này cũng cho biết hôm xảy ra sự việc người trực chính ngày là bác sĩ Quyền, còn ông chỉ tham gia 20 phút sau.
"Hôm đó tôi là bác sĩ trực nội trú, nên khi nhận được thông báo của hộ sinh về sự cố của sản phụ T., tôi đã nhanh chóng chạy lên, vừa kéo một tí là cổ đứa trẻ đã rời ra. Vết đứt được khâu lại trước khi thông báo cho người nhà"- ông Đức nói.
Về việc tại sao lại phân công bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt lại trực sản, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, cho hay do bệnh viện tuyến huyện không phải là bệnh viện chuyên khoa, thiếu nhân sự, nên các bác sĩ đa khoa thường được phân định trực khối.