Đến khoảng 10h tối, cô Lý bắt đầu xuất hiện tình trạng trúng độc là tiêu chảy, nôn ói, mệt mỏi.
Cô Lý sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Vài ngày trước, cô Lý hái đậu cô ve trước vườn để xào cho bữa tối. Khi đang xào đậu cô ve thì đột nhiên hết gas, cô Lý nếm thử thì cảm nhận đậu gần chín nên dọn ra bàn ăn. Chồng của cô Lý do răng yếu nên chỉ ăn vài miếng, thế nên cô Lý đã ăn hết đĩa đậu cô ve đó. Đến khoảng 10h tối, cô Lý bắt đầu xuất hiện tình trạng trúng độc là tiêu chảy, nôn ói, mệt mỏi và phải đến viện cấp cứu.
Bác sĩ Đại Hàng, khoa cấp cứu, bệnh viện No.3 People's Hospital of Chengdu, giải thích: "Độc tính chủ yếu của đậu cô ve là chất saponin và legumin. Nếu đậu cô ve không được xào chín, nó sẽ gây ra phản ứng ngưng tụ huyết cầu dẫn đến tổn thương mạch máu ở thận và suy thận".
Bác sĩ Đại Hàng cảnh báo, chất độc trong đậu cô ve có thể được phân giải khi được xào chín, trong quá trình nấu nướng, nếu đậu cô ve chưa chín thì mọi người không nên ăn. Ngoài ra, một số thực phẩm có thể gây ngộ độc, không nên sử dụng như khoai tây nảy mầm và cà chua xanh, bởi cho dù được chế biến ở nhiệt độ cao thì độc tố vẫn không thể phân giải.
Nguyên nhân gây trúng độc khi ăn đậu cô ve là do 2 loại độc tố có trong đậu là saponin và legumin. Saponin có tác dụng kích thích niêm mạc đường tiêu hóa gây xung huyết, trướng bụng, viêm dạng xuất huyết. Legumin có tác dụng ngưng tụ hồng huyết cầu, hòa tan hồng huyết cầu. Khi ăn đậu cô ve mà có cảm giác đắng thì chính là do hai chất này gây ra, tạo nên trúng độc ở người sử dụng. Biểu hiện của người trúng độc là triệu chứng ói mửa, đau bụng, tiêu chảy nếu bị nhẹ. Còn nếu bị ngộ độc nặng hơn có thể gây tử vong.
Mặc dù saponin và legumin có độc tính như vậy nhưng hai chất này có đặc tính dễ bị phá vỡ trong nhiệt độ cao. Vì vậy, bạn không nên xào đậu cô ve qua quýt hay ăn sống mà nên nấu thật chín ở nhiệt độ cao. Khi đậu được nấu chín, saponin và legumin có trong đậu cô ve sẽ bị phá hủy và không gây độc cho cơ thể.
Phương pháp chế biến tốt nhất là chần đậu cô ve trong nước sôi khoảng vài phút, sau đó mới vớt ra xào. Khi rửa đậu cô ve, bạn cũng nên rửa đậu trước sau đó mới nên cắt lát đậu với mục đích hạn chế sự thất thoát lượng vitamin và khoáng chất trong đậu vào trong nước rửa rau vì vitamin và khoáng chất đều là những chất dễ tan trong nước.