Truyền đạm có thể gây ra những tai biến khó lường. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân bị sốc phản vệ và tử vong ngay sau đó.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của Phòng khám chuyên khoa Nội (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) về vụ việc bệnh nhân tử vong ngày 7/4 tại đây.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, cho biết nạn nhân là Phan Thị H. (sinh năm 1986, quê Thừa Thiên Huế), làm công nhân may và sinh sống ở khu vực Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. "Nguyên nhân ban đầu là sốc phản vệ sau khi >truyền đạm", ông Trung thông tin.
Trước đó, chị H. được chẩn đoán tụt huyết áp, mệt mỏi, không ăn 2-3 hôm. Chị H đã được bác sĩ tại phòng khám truyền cho một chai nước, sau đó truyền thêm đạm thì xảy ra tai biến.
Về điều này, GS.TS, bác sĩ Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cảnh báo nhiều người Việt khi bị mệt mỏi, ăn kém thường nghĩ tới việc đi truyền nước, truyền đạm. Đây là một thói quen rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.
"Truyền đạm có thể gây ra những tai biến về tiêm truyền khó lường trước được. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân bị sốc phản vệ và tử vong ngay sau đó", GS Khải cho hay.
Theo GS Khải, tụt huyết áp không phải là bệnh mà là hậu quả của các bệnh khác. Lúc này, truyền đạm cho bệnh nhân khi không xác định được nguyên nhân rất nguy hiểm. Do đó, trong trường hợp bị tụt huyết áp tương tự nữ công nhân trên, tuyệt đối người dân không tự ý tiêm truyền.
Lý giải thêm về nguyên nhân gây ra tụt huyết áp, GS Khải cho biết đây là hậu quả của các căn bệnh làm cho tim bị co bóp yếu đi do mất nước, mất máu, bệnh tim, mạch vành, suy tim…
Do đó, bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân để điều trị thay vì lạm dụng truyền đạm. Nếu tụt huyết áp do bệnh tim tái phát thì cần phải điều trị bệnh tim; tụt huyết áp do choáng mất máu cần phải chữa mất máu. Trường hợp tụt huyết áp do nguyên phát, bệnh nhân cần đi khám và sẽ có chỉ định truyền dịch rất khắt khe.
"Trái tim có 3 lớp trong, giữa, ngoài. Bất cứ lớp nào bị tổn thương hay cả hệ thống tuần hoàn bị tổn thương đều có thể gây tụt huyết áp. Chúng ta cần xem nguyên nhân gây ra tụt huyết áp để đánh giá mức độ nguy hiểm. Nếu tụt huyết áp không bị choáng váng, không bị ngất, không cần thiết phải can thiệp. Nhưng trường hợp tụt huyết áp choáng váng, ngất thì cần phải xem nguyên nhân tại sao để can thiệp kịp thời”, GS Khải nói.
Không chỉ truyền đạm mà truyền nước muối cũng rất nguy hiểm. GS Khải đã từng gặp bệnh nhân bị cúm truyền muối đẳng trương đã bị sốc và tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm.
Sốt, mệt, chóng mặt chỉ là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Việc tiêm, truyền cho bệnh nhân phải có chỉ định của bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt do bệnh gì, có cần phải truyền dịch không. Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp.
Ngoài ra, trước khi truyền cần phải khám tim, phổi, đo mạch để kiểm tra >sức khỏe tổng thể. Do đó, việc tự ý truyền dịch sẽ nguy hại đến sức khỏe. Ngay cả khi người bệnh bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ tốt hơn là truyền dịch.
Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ hoặc sai cách sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong. Trong đó, sốc phản vệ là một cấp cứu tối cấp, người bệnh rất dễ tử vong.