Người bệnh có thể mạnh dạn phối hợp một số kinh nghiệm dân gian có tác dụng thanh nhiệt hạ sốt.

05:36 29/04/2019

 

Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên bất lợi khi thân nhiệt quá cao hoặc sốt kéo quá dài ngày. Trên thực tế, không hiếm trường hợp người bệnh đã được dùng tân dược >hạ sốt đủ liều, bồi phụ đầy đủ dịch thể và điện giải nhưng thân nhiệt vẫn không giảm. Lúc này, người bệnh có thể mạnh dạn phối hợp dùng một số kinh nghiệm dân gian có tác dụng thanh nhiệt hạ sốt.

Dùng lá cỏ nhọ nồi

Lá cỏ nhọ nồi lượng vừa đủ, rửa sạch, ngâm dung dịch thuốc tím rồi giã nát lấy nước cốt cho người bệnh uống (liều lượng tuỳ theo lứa tuổi, người lớn ít nhất là 200 ml), còn bã đắp lên thóp (với trẻ sơ sinh) hoặc đắp vào huyệt Bách hội và Dũng tuyền (với người lớn).

Vị trí huyệt Bách hội là giao điểm của đường trục dọc qua giữa đầu với đường nối hai đỉnh vành tai khi gấp vành tai áp sát vào đầu, sờ vào có một khe hõm nhỏ.

Vị trí huyệt Dũng tuyền ở lòng bàn chân, tại điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ 2 (ngón trỏ) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.

Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Ảnh: Healthplus.

Lá cỏ bợ

Lá cỏ bợ lượng vừa đủ, rửa và ngâm sạch rồi giã nát vắt lấy nước cốt uống, liều lượng tuỳ theo lứa tuổi, người lớn mỗi lần uống 200 ml, mỗi ngày 2 lần.

Cây chuối non

Thân cây chuối non một đoạn dài chừng 40 cm, ngâm rửa sạch rồi bóc bỏ bẹ già bên ngoài, thái vụn, giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

Măng tay tre non

Lấy 3-4 cái, bóc bỏ bẹ nang bên ngoài, rửa sạch, đem nướng trên bếp cho mềm rồi vắt lấy nước cốt uống, liều lượng tuỳ theo lứa tuổi, người lớn ít nhất là 30 ml. Cũng có thể thái thành những lát mỏng rồi hãm với nước sôi uống.

Rễ cây chuối tiêu

Lấy 500 g rễ cây chuối tiêu ngâm rửa sạch, 30 g muối ăn, hai thứ giã nát rồi đắp lên các huyệt Trung đình (ở chỗ hai bờ sườn gặp nhau làm thành một góc nhọn), Cưu vĩ (ở điểm nối 7/8 dưới và 1/8 trên của đoạn nối rốn và huyệt Trung đình) và Cự khuyết (ở điểm nối 6/8 dưới và 2/8 trên của đoạn nối rốn và huyệt Trung đình). Khi bã thuốc khô, thay thuốc mới cho đến khi thân nhiệt trở về bình thường.

Chườm

Gừng tươi 10 g, hành củ 10 g, rau mùi 10 g, trứng gà 2 quả luộc chín bỏ lòng đỏ lấy lòng trắng. Các vị thuốc đem hấp chín, gói vào túi vải rồi chườm khắp toàn thân cho đến khi mồ hôi vã ra, thân nhiệt sẽ hạ. Bài thuốc này dùng cho những người bị sốt cao do cảm cúm mà không có mồ hôi (cảm mạo phong hàn).

Lau bằng rượu

Dùng rượu cao độ hoặc cồn 70% thấm vào khăn mềm rồi lau hốc nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân và dọc cột sống cho bệnh nhân.

Ngâm chân nóng và lạnh

Lấy một chậu nước lạnh và một chậu nước nóng (39-40 độ C). Ngâm hai chân vào chậu nước nóng trong 20 phút với người lớn, 15 phút với trẻ 8-10 tuổi, 7 phút với trẻ 1-2 tuổi rồi chuyển sang chậu nước lạnh trong một phút (người lớn và trẻ em như nhau).

Sau đó, lấy khăn mềm lau chân khô rồi dùng bàn tay xát mạnh hai lòng bàn chân sao cho ấm lên. Tiếp đó, nằm đắp chăn kín cho mồ hôi vã ra. Sau đó, thân nhiệt sẽ giảm dần. Chú ý lau khô mồ hôi và tránh gió lùa. Tuỳ theo mức độ sốt mà tiến hành 2-3 lần. Trong khi ngâm, nước có thể nguội dần, cần chế thêm nước nóng để giữ nhiệt độ ổn định. Trẻ em bị sốt do sởi, thuỷ đậu và sốt xuất huyết không nên dùng bài này.

Theo Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn/Zing
Tags