Mặc dù lông mi giả có vẻ vô hại nhưng nó có thể trở thành tác nhân gây ra những vấn đề về mắt, thậm chí là hỏng giác mạc.

Tuệ Anh (TH) 16:59 29/07/2023

Mi giả là loại mi tổng hợp được thiết kế để làm nổi bật đôi> mắt của bạn. Chúng được gắn vào mí mắt ngay trên hàng mi tự nhiên của bạn bằng cách sử dụng keo dán tạm thời. Nối mi cũng là hình thức tương tự, chúng được gắn trực tiếp vào mi tự nhiên của bạn bằng một loại keo lâu dài hơn, thường được thực hiện bởi thợ chuyên nghiệp.

Nhiều trường hợp bị sưng mí mắt khi gắn mi giả - Ảnh minh họa: Internet

Theo Sức khoẻ Đời sống, nếu quan tâm đến việc sử dụng mi giả, cần chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín. Cần đảm bảo tuân thủ hướng dẫn sử dụng để đạt được hiệu quả và an toàn tốt nhất.

Dùng mi giả cũng làm tăng nguy cơ mắt bị nhiễm khuẩn. Do ảnh hưởng của chất liệu tổng hợp và keo nên mi giả dễ bị dính bụi. Tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm và cách sử dụng nguy cơ nhiễm trùng có thể từ nhẹ đến nặng.

Ngoài ra, trong quá trình gắn mi giả, nếu kéo hoặc căng mi mắt và lông mi tự nhiên quá mức có thể gây tổn thương và kích ứng cho vùng mắt. Việc gắn và tháo mi giả không đúng cách cũng gây hư hại và làm rụng lông mi.

Một số người gắn mi giả có thể xảy ra hiện tượng dị ứng khi sử dụng mi giả. Đây là hiện tượng cơ thể phản ứng với chất liệu nhân tạo của lông mi hoặc keo dán mi. Phản ứng dị ứng với keo dán mi rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra với các triệu chứng:

- Ngứa, châm chích, cay mắt: Đây là các triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng mi giả. Mắt có thể cảm thấy ngứa, đỏ và có cảm giác châm chích, cay rát.

- Sưng mí mắt: Dị ứng có thể gây >sưng mí mắt hoặc sưng vùng da xung quanh mắt.

- Tiết nước mắt nhiều: Dị ứng cũng có thể làm cho mắt tiết nước mắt nhiều hơn bình thường.

- Viêm mắt: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, dị ứng mi giả có thể gây viêm mắt.

Dị ứng keo dán mi gây nhiều hệ luỵ khó lường - Ảnh minh họa: Internet

Theo Tuổi Trẻ, để giúp đôi mắt khỏe đẹp mỗi ngày, chị em cần lưu ý 7 điều dưới đây:

1. Thay mới hoàn toàn bộ >trang điểm mắt sau ba tháng vì vi khuẩn gây nhiễm trùng dễ dàng phát triển trong phấn trang điểm.

2. Không dùng chung sản phẩm trang điểm mắt với người khác. Với những sản phẩm dùng thử tại cửa hàng, chỉ sử dụng mẫu mới, chưa bị dùng trước đó. Tốt nhất tránh sử dụng các mẫu thử.

3. Nếu bạn có tiền sử bị dị ứng, chỉ nên sử dụng một sản phẩm trang điểm hoặc chăm sóc mắt. Nếu không có phản ứng gì, thì có thể thêm một sản phẩm mới khác, và cứ như vậy. Nếu có dấu hiệu dị ứng, hãy tìm hiểu về thành phần và cho bác sĩ của bạn biết. Tránh các sản phẩm chứa hóa chất chưa qua kiểm duyệt hoặc gây hại.

4. Hãy làm sạch mí mắt trước khi trang điểm. Luôn trang điểm bên ngoài đường lông mi, tránh làm tắc tuyến bã nhờn của mí trên hoặc mí dưới. Những tuyến này tiết ra chất dầu giúp bảo vệ bề mặt của mắt. Không trang điểm khi ngồi trong ôtô đang di chuyển.

5. Không dùng vật sắc để tách lông mi bị vón cục bởi mascara.

6. Nếu bạn có xu hướng bị khô mắt, hãy tránh những bột trang điểm óng ánh. Bột phấn có thể dính vào màng nước mắt và gây kích ứng. Theo thống kê, phấn mắt nhũ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây kích ứng giác mạc hoặc nhiễm trùng mắt, đặc biệt ở người dùng kính áp tròng.

7. Nhớ tẩy trang vùng mắt trước khi ngủ, đặc biệt là mascara. Dùng một miếng bông sạch lau dọc theo sợi lông mi để loại bỏ các lớp trang điểm. Tốt nhất, hãy sử dụng chất tẩy trang dành riêng cho mắt.

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe