Ngày Tăng huyết áp 17/5, giáo sư Phạm Gia Khải mách bạn 5 điều nhỏ thay đổi cả cuộc đời mỗi người và ngay từ hôm nay cần áp dụng luôn.

06:08 31/05/2019

Theo GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia bệnh tăng huyết áp hiện nay đang vô cùng đáng lo ngại, đặc biệt ngày càng nhiều người trưởng thành trên 25 tuổi bị tăng huyết áp. 

>Tăng huyết áp là một bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, hiện tác động đến gần 1 tỷ người trên khắp thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy số người bị bệnh tăng huyết áp có thể tăng lên mức 1.5 tỷ người vào năm 2025. Tăng huyết áp gây ra cái chết cho 9,4 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.

Nếu không thay đổi ngay từ hôm nay thì sẽ tạo ra thế hệ tăng huyết áp tương lai và những người này đối diện với đủ thứ như: nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường và suy thận mãn...

Tăng huyết áp biến chứng rộng khắp và bệnh hoàn toàn có thể phòng được. GS Khải nhấn mạnh hãy thay đổi ngay từ hôm nay có thể thay đổi cả cuộc đời bạn.

Thứ nhất: Hạn chế ăn muối

Muối ăn hàng ngày là kẻ thù của tăng huyết áp. Theo khuyến nghị của các chuyên gia và qua các nghiên cứu người ta chỉ ra rằng mỗi ngày một người chỉ sử dụng khoảng 5,8 gram muối ăn tương đương một thìa cafe/ngày.

Theo GS Khải người Việt đang ăn mặn khoảng 9-12 g muối/ngày, cần phải cắt giảm 1/2 lượng muối hàng ngày ăn khoảng 5-6 gram/ ngày để bảo vệ sức khoẻ. Khi tuổi càng cao nên ăn nhạt hơn, chế độ ăn càng nhạt càng tốt.

Theo GS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia

Ăn nhạt giúp hạ được huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương ở người tăng huyết áp và người không bị tăng huyết áp. Không những thế, hạn chế ăn muối cũng làm tăng tác dụng của các thuốc điều trị huyết áp hiện nay.

GS Khải cho rằng nếu bị tăng huyết áp, uống thuốc nhưng vẫn không thay đổi cách ăn uống thì vẫn khó đạt được huyết áp ổn định và chỉ số mong muốn.

Thứ hai: Chế độ ăn nhiều rau củ quả, ít chất béo và đa dạng

Chế độ ăn đa dạng nghĩa là đủ các thành phần lipid, glucid, protit, chất xơ, không chỉ tốt cho >sức khỏe mà còn dễ ăn và rất ngon miệng. Hiện nay, tỷ lệ người tăng huyết áp tăng cao, GS Khải cho rằng đó chính là do cách ăn uống mang lại. Những người thường xuyên cơm hộp, thức ăn nhanh thì trong tương lai gần chắc chắn bị tăng huyết áp.

 

Chính vì thế, ăn nhiều rau sạch, hoa quả sạch, các protein thực vật như nấm, đậu nành, đậu tương, các thực phẩm ít chất béo, các sản phẩm sữa ít chất béo, bổ sung thêm chất xơ.

Đối với các sản phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, lúa mì ăn vừa đủ. Còn các loại ngũ cốc nên ăn ở dạng nguyên hạt để giữ nguyên chất xơ : ví dụ gạo nên ăn gạo lứt thay cho gạo trắng.

Hạn chế tối đa các thực phẩm chứa nhiều cholesterol động vật có trong ngũ tạng động vật, các thực phẩm chứa nhiều năng lượng như: đồ uống có gas, thức ăn nhanh.

Thứ ba: Sử dụng đồ uống có cồn hợp lý

Việt Nam là nước có tỷ lệ uống bia rượu cao nhất thế giới. GS Khải cho rằng ở Việt Nam để bỏ rượu bia là không thể thực hiện được. Nhưng cần phải biết sử dụng hợp lý nam giới không nên uống quá 20-30 g ethanol mỗi ngày và 140g mỗi tuần, với phụ nữ là 10-20g và 80g (10g ethanol tương đương với 1 chén rượu mạnh, 100 ml rượu vang hay 1 lon bia).

Với các chỉ số về lượng cồn đưa vào trong cơ thể, GS Khải nhấn mạnh mỗi người hoàn toàn có thể tự đưa ra được giới hạn cho mình.

Thứ tư: Tập luyện thể dục đều đặn

Tập thể dục đều đặn, từ bỏ lối sống tĩnh tại như hiện nay chính là cách tốt nhất làm thay đổi cuộc sống của mọi người.

Giáo sư Khải cho biết không riêng bệnh lý tim mạch mà đối với các bệnh nói chung thì việc tập luyện thể dục thể thao luôn mang lại hiệu quả, tập luyện không chỉ giúp ngăn ngừa và điều trị tăng huyết áp mà còn góp phần làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

Với bệnh nhân tim mạch,huyết áp cao cần tập luyện các bài tập phù hợp và quan trọng là phải duy trì tập luyện đều đặn, thường xuyên mới mang lại hiệu quả tối đa.

Các bài tập được khuyến cáo có hiệu quả với hạ huyết áp là những bài tập động bao gồm: đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi.

Các bài tập chỉ vận động cơ như tập tạ, thể hình ít hiệu quả cho người tăng huyết áp. Với GS Khải ông thường đạp xe nhẹ nhàng tại chỗ để tăng cường thêm sức khỏe cho mình.

Duy trì một cân nặng hợp lý không chỉ giúp khống chế huyết áp tốt mà còn mang đến một cuộc sống năng động, thoải mái hơn rất nhiều.

Thứ 5: Kiểm soát cân nặng

Với bất cứ ai, GS Khải đều khuyên hãy kiểm tra và theo dõi thường xuyên BMI (chỉ số khối cơ thể) của mình. Cố gắng "quản lý" được vòng 2 bởi vòng hai là kẻ thù gây tăng huyết áp.

Nên duy trì BMI từ 18-25, với người Việt Nam thì lý tưởng nên duy trì từ 18-23 , vòng bụng ở nam giới nên duy trì ở mức < 102 cm, ở nữ là dưới 88 cm.

Theo Ngọc Anh/Trí Thức Trẻ