Nam thanh niên 17 tuổi bị tai nạn lao động dẫn tới ngón tay cái bên phải bị lột trơ xương và gân, mất phần da móng. Các bác sĩ đã phải lột da móng ngón chân cái ghép vào ngón tay cho bệnh nhân.
Đó là trường hợp của bệnh nhân T. (17 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên). Nam thanh niên này làm việc trong một xưởng sản xuất giấy và trong lúc chỉnh máy bồi ép giấy bị kẹt, ngón tay cái bên phải của T. bị cuốn vào máy.
T. cố giật tay ra để không bị máy nghiền nát thì chiếc máy bồi ép đã kéo lột hết phần da, mô mềm ở ngón tay cái của T., khiến ngón tay cái hở trơ xương và gân.
Ngay khi tai nạn xảy ra, T. được đưa vào bệnh viện huyện để cấp cứu. Sau khi tiến hành sơ cứu vết thương, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn tháo khớp ngón tay cái bên phải.
Không đồng ý với phương án tháo khớp ngón tay nên T. được chuyển đến BV ĐK Xanh Pôn điều trị với hy vọng tìm được cách bảo tồn và phục hồi ngón tay bị lột trơ xương.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV ĐK Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân T. được chuyển đến khoa trong tình trạng tỉnh táo, toàn bộ da và mô mềm ngón tay cái bên phải bị lột sạch, trơ xương và gân.
Nếu không tạo hình lại ngón tay cái cho bệnh nhân thì ngón tay bị lột trơ gân, trơ xương như vậy sẽ bị hỏng, phải tháo khớp mất ngón tay.
Bệnh nhân còn rất trẻ, tương lai còn dài, lại là lao động chính trong gia đình nên các bác sĩ đã quyết định tìm giải pháp để bảo tồn ngón tay cái cho nam thanh niên.
Bác sĩ Hoàng thông tin thêm: “Tình trạng này trong y học gọi là lột găng, tức là bị lột hết da, móng, mô mềm, chỉ còn lại xương và gân. Nếu không tạo hình sớm sẽ mất ngón tay.
Mà ngón tay cái lại chiếm 50% chức năng vận động của bàn tay. Nếu không có ngón tay cái thì bàn tay coi như bỏ đi vì gần như không làm được gì.
Chính vì vậy mà việc tạo hình để giữ lại được ngón tay cái cho bệnh nhân là rất quan trọng, được chúng tôi ưu tiên hàng đầu”.
Sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã đưa ra phương hướng xử trí là sử dụng ngón chân cái bên phải để phục hồi lại ngón tay cái cho người bệnh.
Vì tổn thương của bệnh nhân là lột găng, mất phần da móng nên các bác sĩ đã tiến hành lột phần da, móng ở ngón chân cái để phục hồi lại ngón tay cho bệnh nhân.
Sở dĩ lựa chọn ngón chân cái của bệnh nhân vì đây là bộ phận có sự tương đồng gần nhất với ngón tay cái bị lột trơ xương.
Mất phần da móng, mô mềm ngón tay cái bên phải thì dùng da móng của ngón chân cái bên phải thay thế.
Việc không dùng ngón chân cái bên trái để thay thế vì có sự lệch lạc, không đồng nhất về mạch máu, mà việc nối mạch máu lại rất khó nên tìm được bộ phận tương đồng càng cao sẽ càng tốt hơn cho người bệnh.
Trước khi chuyển da móng ngón chân cái lắp lên ngón tay cái thì vết thương của bệnh nhân được chăm sóc rất kỹ để tránh nhiễm trùng, phần xương, gân không bị hoại tử.
Ngay sau đó, cuộc phẫu thuật đã được diễn ra. Các bác sĩ đã tiến hành bóc tách phần da, móng, mô mềm, mạch máu, thần kinh của của ngón chân cái, bọc vào ngón tay cái và nối các mạch máu, thần kinh lại.
Da ở chân rất dày, ngón chân cái cũng rất to, nhưng sau một thời gian được tạo hình vào ngón tay nó cũng sẽ dần bé lại.
Dự kiến sau khoảng 9 tháng đến 1 năm, thần kinh ở ngón tay được tạo hình của bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn và cử động gần như bình thường.
Còn ngón chân cái bị lột da móng buộc phải hy sinh và được tiến hành cấy da khác bọc lại.
Quan trọng nhất là đã bảo tồn được ngón tay cho bệnh nhân. Hiện, sau gần 2 tháng làm phẫu thuật tạo hình ngón tay, >sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, ngón tay của bệnh nhân đã phục hồi và dần bình thường trở lại.
Bệnh nhân T. đã có thể cử động ngón tay cái được tạo hình, cầm nắm được mọi thứ, viết được chữ.
“Sau khoảng 1 tháng làm phẫu thuật ngón tay của tôi đã hoạt động được bình thường, cầm nắm được cả những vật nhỏ, chơi được cả game cùng với bạn bè. May mắn là ngón tay cái của tôi có thể giữ lại và hoạt động bình thường…” – Bệnh nhân T. vui mừng chia sẻ.
Được biết, tại khoa Phẫu thuật tạo hình, BV ĐK Xanh Pôn từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị lột găng và tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân các bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử trí phù hợp nhất.
Với trường hợp bệnh nhân T., việc dùng da móng và mô mềm của ngón chân thay tạo hình ngón tay được coi là phương án tối ưu nhất, giúp bệnh nhân bảo tồn được ngón tay cái, phục hồi được chức năng vận động của ngón tay.
Đây là ca đầu tiên tại BV ĐK Xanh Pôn lấy da móng, mô mềm ở ngón chân để phục hồi cho ngón tay bị lột găng. Và cũng chưa thấy báo cáo tại Việt Nam những trường hợp như thế này.
Trước đó, đã từng có những ca chuyển ngón chân lên phục hồi cho ngón tay bị đứt lìa, nhưng đó là chuyển cả ngón chân, bao gồm cả da móng, mô mềm và xương. Còn trường hợp này bác sĩ chỉ chuyển phần da, móng, mô mềm, phần xương ngón chân vẫn giữ lại do xương, gân ngón tay bệnh nhân vẫn còn.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi, tay cử động được bình thường nên đã được xuất viện về nhà.