Vào những ngày nắng nóng cực điểm, mọi người cần trang bị cho mình cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người trong gia đình.

Bảo Bảo (T.H) 15:42 16/03/2018

Mới đây, tại trường THCS Đốc Binh Kiều đã xảy ra vụ việc 17 học sinh lớp 6 bị ngộ độc do ăn gỏi xoài tôm trong tiết thực hành môn sinh. Nguyên nhân là do quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh và các loại thực phẩm bị biến chất khi để lâu ở nhiệt độ cao.

Vụ việc này là một lời cảnh báo mọi người nên cẩn thận hơn trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm vào những ngày nắng nóng như hiện nay.

Vào những ngày nắng nóng, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra - Ảnh minh họa: Internet

Thời tiết miền Nam đang bước vào mùa nắng nóng đỉnh điểm. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển làm tăng nguy cơ >ngộ độc thực phẩm. Chính vì thế, để đảm bảo >sức khỏe, bạn phải biết >cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nắng nóng này.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nắng nóng 

Lựa >chọn thực phẩm sạch

Các chị em nội trợ nên lựa chọn thịt heo có màu hồng hoặc thịt bò có màu đỏ tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải săn chắc và không có mùi hôi. Đối với cá, bạn nên mua những con có mang màu đỏ hồng, mắt trong không đục, ấn vào thân có độ đàn hồi tốt và không có mùi lạ.

Không sử dụng những loại rau lạ, bị sâu, dập nát hay úng để tránh bị ngộ độc. Trước khi chế biến, bạn hãy rửa rau ít nhất 3 lần và tốt nhất nên ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 5 phút để loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc trừ sâu hay phân bón còn tồn dư. Còn với các loại trái cây, củ quả không nên chọn những củ dập nát, lên mốc hay bị sâu bọ xâm nhập.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm tươi sống: Hiện nay, các chị em nội trợ vì tiết kiệm thời gian nên thường hay tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần. Tuy nhiên, các chuyên gia >dinh dưỡng khuyến cáo nên chế biến và dùng thực phẩm trong ngày để giữ được các chất dinh dưỡng cũng như đảm bảo an toàn.

Cần giữ vệ sinh tủ lạnh và sắp xếp thực phẩm ngăn nắp để hạn chế vi khuẩn sinh sôi, phát triển - Ảnh minh họa: Internet

Nếu phải tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, bạn tốt nhất dùng hết trong vòng 3 - 4 ngày. Đặc biệt, nếu thời tiết trên 32 độ C, bạn không nên để các loại thịt, cá tươi sống bên ngoài quá một giờ mà phải cho ngay vào tủ lạnh.

Thực phẩm đã chế biến: Sau khi đã nấu chín, bạn nên dùng ngay, nếu còn dư phải dùng màng nilon bọc kín rồi cho vào tủ lạnh. Trước khi dùng lại nên hâm nóng thức ăn trên 60 độ C để tiêu diệt hết vi khuẩn, phòng chống ngộ độc. Ngoài ra, bạn không nên hâm các món ăn cũ quá 2 lần.

Thức ăn đã chế biến phải dùng ngay

Trong thời tiết nóng như hiện nay, thức ăn sau khi nấu chín nên dùng ngay trong vòng 2 tiếng để đảm bảo an toàn. Bởi nếu bạn để thức ăn ở môi trường bên ngoài lâu sẽ khiến các loại vi khuẩn, vi sinh vật phát triển tạo thành độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Luôn giữ tay sạch sẽ

Rửa tay thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh ngộ độc thực phẩm - Ảnh minh họa: Internet

Rửa tay là biện pháp hữu hiệu và đơn giản nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Bạn chỉ cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ngộ độc.

Giữ vệ sinh bếp và dụng cụ chế biến

Bảo đảm nhà bếp và các dụng cụ chế biến thực phẩm luôn khô ráo, gọn gàng, vệ sinh sẽ giúp phòng tránh ngộ độc hiệu quả.

Sau mỗi lần sử dụng, phải rửa dụng cụ nhà bếp với nước rửa chén - Ảnh minh họa: Internet

Biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nắng nóng, hy vọng bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe của bản thân cũng như người trong gia đình tốt hơn!

Bảo Bảo (T.H) | Theo Phụ nữ sức khỏe