Ghi nhớ các dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn kịp thời xử lý và hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với sức khỏe.
- Bị ngộ độc thực phẩm, cấp cứu ngay bằng gừng!
- Mẹo chữa ngộ độc thực phẩm cực hiệu quả từ những nguyên liệu có sẵn trong bếp
Trong dịp nghỉ Tết, việc uống quá nhiều rượu, bia và ăn các món ăn thừa đạm, chất béo trong khoảng thời gian ngắn khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa thậm chí là ngộ độc thực phẩm.
Để sớm phát hiện và có thể điều trị kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc trong ngày đầu năm, bạn nên nhớ những dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm này.
Những dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm
Buồn nôn
Buồn nôn là dấu hiệu thường xuất hiện sau vài giờ dùng thức ăn hay nước uống không đảm bảo vệ sinh. Đây là một trong những cách để cơ thể cố gắng loại bỏ chất độc.
Sau khi nôn hết thực phẩm đã ăn hay uống trước đó, người bệnh vẫn sẽ có dấu hiệu nôn khan liên tiếp sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu còn cảm thấy buồn nôn trong 6 tiếng, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Tiêu chảy liên tục
Ngoài cảm giác buồn nôn, tiêu chảy là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất ở người bị ngộ độc thực phẩm. Tiêu chảy liên tục sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh chóng dẫn đến một số triệu chứng như cảm thấy rất khát, khô miệng, choáng váng... Để hạn chế tình trạng này, người bị ngộ độc nên uống nước thường xuyên.
Ngoài ra, nếu thấy có máu xuất hiện trong phân phải nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị trước khi bệnh chuyển biến xấu hơn.
Sốt nhẹ
Khi cơ thể chống lại chất độc, người bệnh có thể bị sốt nhẹ. Theo các bác sĩ, ngộ độc thực phẩm thường chỉ khiến cơ thể sốt nhẹ. Vì thế nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Đau đầu
Đây cũng là một trong những biểu hiện thường thấy khi bị ngộ độc thức ăn. Những cơn đau nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh và mức độ nhiễm độc. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do vi khuẩn, virus hoặc mất nước sau khi nôn, tiêu chảy liên tục.
Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Kích thích nôn
Đây là bước đầu tiên bạn nên thực hiện để giúp người bệnh loại bỏ độc tố ra ngoài. Dùng đầu ngón tay đưa vào miệng nạn nhân và đè nhẹ ở cuống lưỡi hoặc nhanh chóng pha nước muối cho người trúng độc uống để kích nôn.
Bổ sung nước, chất điện giải
Sau khi nôn hoặc đi ngoài, bạn nên cho bệnh nhân uống hết 1 lít nước pha với một gói oresol để bổ sung chất điện giải. Nếu không có oresol, bạn có thể đổ 1/2 muỗng cà phê muối cùng với 1 muỗng canh đường vào 1 lít nước rồi cho người bệnh dùng.
Trường hợp sau khi sơ cứu mà không có dấu hiệu bình phục cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị tốt nhất.
Hy vọng với những dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm này, gia đình bạn sẽ có một kỳ nghỉ Tết an toàn.