Người Việt thường quan niệm “Đói ăn rau đau uống thuốc” nhưng lại vô tình phạm phải những sai lầm dưới đây, khiến rau biến chất và làm hại sức khỏe.
Trong mâm cơm gia đình hay tiệc tùng của người Việt Nam nhất định không thể thiếu một đĩa rau. Rau vừa là thực phẩm chống ngán, lại vừa cung cấp lượng lớn các vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.
Đặc biệt, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (Mỹ), việc tích cực ăn rau quả sẽ giúp cơ thể người tăng khả năng chống ung thư lên tới 20%. Nhiều nghiên cứu khác còn khẳng định rằng, rau quả chống được bệnh ung thư đại tràng, dạ dày, đột quỵ.
Để rau xanh phát huy đúng tác dụng, các gia đình nên đảm bảo nguồn rau sạch, không có vi khuẩn gây bệnh và các hóa chất độc nguy hiểm. Ngoài ra nên tránh những sai lầm sau khi chế biến và tiêu thụ để đảm bảo không làm hại cho >sức khỏe.
1. Cắt, thái rau thành từng phần nhỏ trước khi rửa
Các bà nội trợ thường cho rằng việc cắt thái rau trước khi rửa sẽ khiến rau được rửa sạch hơn, tuy nhiên sự thực là cách làm này sẽ khiến cho >dinh dưỡng trong rau bị thất thoát rất lớn. Lý do là bởi vitamin tồn tại trong rau thường ở dạng lỏng, dễ hòa tan khi rửa dưới nước.
Giải pháp: Rửa sạch rau sau đó mới tiến hành cắt nhỏ từng phần.
2. Rửa rau qua loa trước khi nấu
Theo "Dirty Dozen" - danh sách các loại rau củ quả chứa hàm lượng thuốc trừ sâu cao nhất do nhóm Công tác Môi trường của Mỹ (tên gọi là EWG) thực hiện thì: Cần tây, rau bina, cải xoăn, ớt chuông và cà chua... là những cái tên thuộc top đầu danh sách.
Đáng nói, các gia đình có xu hướng rửa qua loa những loại rau củ quả này. Làm như vậy thì bạn có thể sẽ ăn phải dư lượng hóa chất gây đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.
Giải pháp: Ngay cả khi bạn mua rau hữu cơ, hãy ngâm rau trong chậu nước khoảng 10-15 phút. Sau đó, rửa nhanh chúng một lần nữa dưới vòi nước chảy để đảm bảo chúng sạch hoàn toàn.
3. Xào, luộc rau chín quá kỹ
Việc đun rau chín quá kỹ có thể khiến rau mất vị ngon, bị nát và dẫn đến các vitamin như C, B1 bị tiêu tan.
Giải pháp: Khi luộc rau, các gia đình nên đun to lửa cho đến khi nước sôi sùng sục mới bỏ rau vào, đậy nắp kín. Đảo một lần nhanh rồi vớt rau ra, ăn rau lúc này sẽ vừa giòn lại vừa đảm bảo dinh dưỡng.
4. Ăn rau còn thừa để qua đêm
Để tiết kiệm, nhiều gia đình thường để dành phần rau thừa từ tối hôm trước cho bữa sáng hôm sau. Tuy nhiên, rau xanh thường chứa khá nhiều nitrat, nếu để qua đêm hàm lượng nitrat sẽ dễ biến đổi thành nitrite – chất gây ung thư, cho dù là bạn có đun lại đi chăng nữa cũng không thể khử được.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, các loại rau như súp lơ, rau bina, rau cải thìa, bông cải xanh, củ cải, cà rốt, cần tây... chứa nhiều nitrat hơn các loại rau khác. Trong đó, rau bina là loại rau nguy hiểm nhất. Tờ Business Insider của Mỹ cũng báo cáo rằng nitrat trong rau bina có thể được chuyển đổi thành nitrosamine qua quá trình hâm nóng. Nitrosamine là chất gây ung thư nguy hiểm cho con người.
Giải pháp: Thời gian ăn rau không vượt quá 4 tiếng sau khi nấu. Nếu còn thừa, bạn nên dứt khoát đổ bỏ nó đi.
5. Chế biến rau bằng phương pháp nướng
Khi nướng thịt, nhiều gia đình có thói quen để vài lát rau củ hay nấm lên bếp nướng. Tuy nhiên, nhiệt độ nóng, khô của bếp có thể làm cạn kiệt chất dinh dưỡng có trong rau. Hơn nữa, nếu chúng bị nướng cháy đen thì có thể sẽ hình thành benzopyrene- một hóa chất gây ung thư thường xuất hiện trong thực phẩm chiên nướng.
Giải pháp: Hấp, luộc rau là phương pháp chế biến tốt nhất. Cách này giúp rau giữ được độ ẩm, vitamin và khoáng chất.
6. Lạm dụng các loại rau củ muối
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định các thực phẩm càng chứa nhiều muối càng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Nguyên nhân được cho là do muối có thể gây làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng sự phát triển của vi khuẩn HP và cuối cùng tạo nên ung thư. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo cần hạn chế sử dụng món ăn này do trong dưa cà muối có chứa hợp chất nitroso, chất này cũng khiến gan phải hoạt động vất vả để đào thải ra khỏi cơ thể, gây quá tải cho gan, gây viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Giải pháp: Thay vì lựa chọn các loại rau củ muối thì các món rau hấp, luộc là lựa chọn lành mạnh cho các gia đình.