Bác sĩ thông báo khối u kích thước lớn cần phải phẫu thuật và điều trị song chị V. vẫn quyết giữ thai, chấp nhận đau đớn để sinh con.
Ở tuần thai thứ 26 chị, chị Vũ Thị V., 32 tuổi ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc phát hiện vú nổi u cục bất thường nên đến BV Ung bướu Hà Nội thăm khám.
Kết quả chị bị Sarcome Phyllode vú bên trái, một dạng của ung thư mô liên kết biểu hiện ở vú. Khối u lúc này có kích thước 6x7 cm. Thông tin này như sét đánh ngang tai, cầm tờ kết quả trên tay, chị ngồi thụp xuống, khóc nức nở, trách số phận sao quá nghiệt ngã.
Do khối u kích thước đã lớn, bác sĩ khuyên chị nên đình chỉ thai, phẫu thuật sớm và điều trị xạ trị kết hợp hoá chất để triệt tiêu tế bào ác tính. Song đây là đứa con đầu lòng sau nhiều tháng ngày chờ đợi nên chị V. đã từ chối điều trị, chờ ngày con chào đời.
Dù bác sĩ cảnh báo, đây là quyết định hết sức mạo hiểm, có thể nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con song chị V. vẫn quyết định giữ thai, chịu đựng đau đớn vì khát khao làm mẹ quá lớn.
Vừa mang thai, vừa chống chọi với khối u đang lớn từng ngày, đã có lúc chị V. đau đớn đến không thể chợp mắt. Nhưng nghĩ đến khoảnh khắc sẽ được gặp con, chị V. gắng sống từng ngày.
Ở tuần thứ 36, khi sức khoẻ chị đã quá suy kiệt, bác sĩ chỉ định phải mổ lấy thai, bé trai khoẻ mạnh chào đời với cân nặng hơn 2 kg.
Tuy nhiên, sau sinh, khối u phát triển rất nhanh, kích cỡ to gấp 3 lần so với thời điểm phát hiện bệnh gây sùi loét, chảy máu và xâm lấn nhiều cơ quan buộc bệnh nhân phải xạ trị để cầm máu.
Quá trình điều trị triệu chứng, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục do nhiễm trùng và được chỉ định phẫu thuật tại Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa, BV Ung bướu Hà Nội.
TS Vũ Kiên, Phó giám đốc BV Ung Bướu Hà Nội, Trưởng Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa cho biết, đây là ca phẫu thuật rất phức tạp. Khối u vú trái kích thước lên tới 20x15 cm, thâm nhiễm mỡ xung quanh, xâm lấn cơ ngực. U to khiến mạch máu tăng sinh nhiều, khó kiểm soát.
Kíp phẫu thuật đã phải tiến hành cắt rộng u cùng toàn bộ tuyến vú, cơ ngực lớn phần xâm lấn, vét hạch nách. Đồng thời, xoay vạt da bụng lên tạo hình vùng thiếu da và khuyết hổng lớn.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng, khối u nặng gần 3 kg được cắt bỏ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục >sức khỏe, đang được tiếp tục điều trị hóa xạ đồng thời.
“Tôi cứ nghĩ mình sẽ phải đeo khối u khổng lồ trên ngực đến lúc chết. Nay được mổ cắt bỏ, tôi thấy nhẹ nhõm, tự tin hơn”, chị V nói. Chị hy vọng có thể điều trị nhanh khỏi để được về với con.
Theo các số liệu thống kê, >ung thư vú là một trong những loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi rất cao, có thể lên tới 100% nếu được phát hiện ở giai đoạn 1.
Với các trường hợp phát hiện ung thư khi đang mang thai, bác sĩ luôn khuyến cáo đình chỉ thai nghén để điều trị cho mẹ. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp quyết định giữ lại thai, mới đây là trường hợp chị Nguyễn Thị Liên, sinh bé Bình An ở tuần thai thứ 31.
Chị Liên sinh con khi ung thư vú đã chuyển sang giai đoạn cuối, di căn nhiều bộ phận cơ thể. Đã có rất nhiều thời điểm, chị nằm hôn mê tại khoa Hồi sức tích cực, tưởng không qua khỏi, nhưng nhờ sợi dây mẫu tử thiêng liêng, chị đã vượt qua được cửa tử, hiện đã khoẻ mạnh và đang tiếp tục truyền hoá chất.