Mới đây, một báo cáo của NBC News đã chỉ ra rằng, các nàng nên cân nhắc khi đụng chạm dao kéo vào ngực vì nâng ngực có thể dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, nhưng bất ngờ hơn là không phải ung thư vú.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), u lympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến nâng ngực là một loại hiếm hoi của u lympho không Hodgkin - một dạng >ung thư có liên quan đến ung thư vú (BIA-ALCL) nhưng không phải ung thư vú mà là ung thư xuất hiện gần vị trí túi độn. Đây là ung thư phát triển trong hệ bạch huyết, khối u phát triển từ tế bào lympho (tế bào máu trắng). Trong hầu hết các trường hợp, BIA-ALCL được tìm thấy trong mô sẹo và chất lỏng gần khu vực nâng ngực, nhưng một số trường hợp, nó có thể lây lan khắp cơ thể.
FDA thực sự đã xác định được mối liên hệ giữa nâng ngực và ung thư vào năm 2011, mặc dù ở thời điểm đó, rủi ro này được coi là cực thấp. Nhiều năm sau, vào năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định BIA-ALCL là "u lympho tế bào T" có thể phát triển sau nâng ngực. Tính đến tháng 9 năm 2017, FDA cho biết đã nhận được 414 báo cáo trường hợp nâng ngực bị BIA-ALCL, trong đó có 9 bệnh nhân tử vong. Điều này cho thấy mặc dù ung thư do nâng ngực cực hiếm nhưng cũng phổ biến hơn việc nhiều chuyên gia nghĩ.
Tiến sĩ Mark Clemens, thuộc trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas, Mỹ còn cho biết thêm: "Nguy cơ dẫn đến tử vong là rất hiếm nhưng chúng vẫn có khả năng xảy ra. Hãy nghĩ về BIA-ALCL giống như một que diêm dễ dàng dập tắt nhưng nó cũng có thể đốt cháy một ngôi nhà”.
Cò theo Giáo sư Anand Deva - một bác sĩ phẫu thuật đi đầu trong nghiên cứu BIA-ALCL, tuyên bố rằng trong năm qua nhóm của ông đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng, tăng 50% các trường hợp mắc BIA-ALCL. Những phát hiện mới nhất cũng đã được tiết lộ tại Cuộc họp thẩm mỹ 2018 ở New York (Hoa Kỳ), hội nghị thường niên do Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ tổ chức. Theo các bác sĩ phẫu thuật, có 529 trường hợp được ghi nhận mắc BIA-ALCL trên toàn thế giới và đã có 16 trường hợp tử vong. Nhưng con số này có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.
Phụ nữ bị BIA-ALCL đầu tiên nhận thấy sưng, đau và không đối xứng ở vú do sự tích tụ của chất lỏng ung thư. Điều này chủ yếu xảy ra 8 đến 10 năm sau lần phẫu thuật ban đầu. Tuy nhiên, nó có thể bị nhầm lẫn với một biến chứng phổ biến hơn được gọi là huyết thanh muộn gây ra các vấn đề gần như giống hệt nhau - sự tích tụ của chất lỏng lành tính được điều trị đơn giản bằng cách loại bỏ nó và cho thuốc kháng sinh. Huyết thanh muộn được tìm thấy ở 1/100 tất cả các bệnh nhân cấy ghép vú. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng 1/10 trong số họ thực sự có BIA-ALCL.
Có hàng chục loại cấy ghép túi độn khác nhau, nhưng với những trường hợp túi ngực có bề mặt thô ráp, vi khuẩn sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn. Đây cũng là chìa khóa kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch gây ung thư. Một số loại túi độn được cấy ghép gây nguy hiểm hơn so với những loại khác. Với cấy ghép túi độn với bề mặt "nhám" - (vỏ cứng hơn) dành cho những người có cơ ngực chắc như người tập yoga, vận động viên - có khoảng 1 trong số 3.000 trường hợp phát bệnh. Phụ nữ được cấy ghép túi độn có bề mặt trơn (vỏ mềm mại) - dành cho những người có cơ ngực bình thường - có nguy cơ thấp hoặc không có rủi ro.
Theo FDA, các triệu chứng của BIA-ALCL khá dễ phát hiện như sưng liên tục, đau ở vùng xung quanh khu vực nâng ngực. Giáo sư Richard J. Bleicher (Khoa ung thư phẫu thuật tại Trung tâm Ung thư Fox Chase) cho biết: "Nếu phụ nữ nhận thấy sự phình to hoặc sưng ngực, hoặc loét vú, đặc biệt là hơn một năm sau khi đặt túi ngực, điều quan trọng nhất là phải đến tìm bác sĩ phẫu thuật và thông báo ngay sự bất thường này".
FDA cũng cho biết thêm, nếu những bệnh nhân nâng ngực thường xuyên xuất hiện những triệu chứng như đau, cục u, sưng hoặc không đối xứng ngực sau khi vết rạch đã lành lặn hoàn toàn thì cần thiết phải đi khám và loại bỏ túi nâng ngực. "Không ai mong muốn ung thư sẽ phát triển sau khi nâng ngực. May mắn là khả năng phát triển bệnh này cực kỳ thấp. Đã có những trường hợp hiếm hoi phát triển ALCL và tử vong nhưng không thực sự nhiều. Điều quan trọng hơn là bạn có thể điều trị được dứt điểm nên chị em không cần phải hoảng sợ" - Giáo sư Richard J. Bleicher chia sẻ thêm.
Vậy nên, nếu các chị em có nhu cầu động dao kéo vào vòng 1 thì điều quan trọng nhất trước khi nâng ngực là phải khai báo đầy đủ bệnh lý cũng như tiền sử bệnh của gia đình. Các chuyên gia còn khuyến cáo, không chỉ chọn bác sĩ có tay nghề cao mà còn phải có kinh nghiệm, từng làm việc tại các bệnh viện lớn, cơ sở phẫu thuật cần đủ trang thiết bị và có đông bác sĩ, y tá tham gia. Tại đây các chị em sẽ được tư vấn, khám trước khi quyết định nâng ngực hay không (nhất là khi kết hợp với hút mỡ bụng), nâng bằng phương pháp nào phù hợp nhất...