Độ tuổi bắt đầu có kinh của bạn có thể cảnh báo những vấn đề sức khỏe nhiều hơn bạn nghĩ.
Lần đầu có kinh nguyệt luôn là một trải nghiệm vừa bối rối vừa khó hiểu với bất cứ cô gái nào. Có thể bạn sẽ có hàng tá chuyện để nói về những kỷ niệm khó quên trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng, độ tuổi xuất hiện kinh nguyệt của bạn có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề nghiêm trọng về >sức khỏe sinh sản của bạn sau này?
Theo các nghiên cứu gần đây, những người có kinh nguyệt trước tuổi 12 có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề rắc rối về sức khỏe khi trưởng thành. Mặc dù đã quá trễ để quay ngược đồng hồ sinh lý của mình, nhưng bạn có thể chuẩn bị hiểu biết về những nguy cơ có thể xảy ra đối với bản thân, trong trường hợp bạn là người đã dậy thì sớm.
Ung thư vú
Chu kỳ kinh nguyệt của bạn luôn đến cùng với những thay đổi đột ngột và bất thường của các hormones, đặc biệt là estrogen. Những thay đổi này sẽ tác động đến toàn bộ cơ thể bạn, bao gồm cả vòng 1. Theo các nghiên cứu chỉ ra, những phụ nữ có kinh nguyệt trước tuổi 12 tăng đến 50% nguy cơ bị ung thư vú, so sánh với những người có kinh nguyệt vào năm 16 tuổi. Điều này có thể xảy ra do estrogen là một hormone có khả năng kích thích sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư vú.
Mãn kinh sớm
Thông thường, phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh từ khoảng từ 50 - 55 tuổi. Trong giai đoạn này, buồng trứng sẽ hoạt động tiết chế dần rồi ngừng hoạt động hoàn toàn, chấm dứt kinh nguyệt mỗi tháng cũng như khả năng sinh sản. Một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng, các phụ nữ dậy thì từ tuổi 11 hoặc sớm hơn có nguy cơ bị mãn kinh trước tuổi 40 cao hơn 80% , và nguy cơ mãn kinh trong khoảng từ 40 - 44 tuổi cao hơn 30%, so sánh với những người dậy thì trong khoảng từ 12 – 13 tuổi. Tình trạng mãn kinh sớm có nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn như tăng khả năng mắc các bệnh lý như Parkinson hay Alzheimer, rối loạn tâm thần… Mãn kinh sớm cũng có thể xảy ra do lối sống không điều độ hoặc do di truyền.
Chứng loãng xương
Một trong những hậu quả khác liên quan đến mãn kinh sớm là chứng loãng xương. Khi bạn bị mãn kinh sớm, nồng độ estrogen của bạn sụt giảm, kéo theo sự suy giảm mật độ xương. Chứng loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương và tử vong. Theo một nghiên cứu gần đây, các phụ nữ có kinh trong 25 năm (so với thời gian trung bình là 35 năm) sẽ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về xương khớp. Do đó, bạn nên chú ý phòng tránh bằng cách thường xuyên tập luyện sức khỏe, bổ sung calcium và vitamin D. Sẽ không bao giờ là quá muộn để chăm sóc sức khỏe xương khớp của bạn.
Ung thư buồng trứng
Các bạn gái có kinh nguyệt sớm có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn hẳn những người đồng trang lứa có kinh nguyệt muộn hơn. Cụ thể, nữ giới có kinh trước tuổi 12 tăng đến 51% tử vong vì ung thư buồng trứng so với những người có kinh từ tuổi 14 trở đi. Một lần nữa, hormone estrogen có thể là tác nhân chịu trách nhiệm cho mối liên hệ này.
Các triệu chứng sớm của loại ung thư này dễ bị bỏ qua. Trong số đó, bạn cần đặc biệt quan tâm nếu có các dấu hiệu như thường xuyên bị đầy hơi, đi tiểu nhiều hơn, cảm thấy no nhanh hoặc không còn khẩu vị, thường có những cơn đau ở vùng bụng dưới.
Bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu mới thực hiện trên quy mô hơn 13.000 phụ nữ đã cho thấy những người dậy thì sớm thường có xu hướng mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu, vấn đề có thể không phải do dậy thì sớm mà ngược lại, chứng béo phì mới là nguyên nhân dẫn đến cả việc dậy thì sớm và bệnh tiểu đường.
Đối với các bạn nữ sắp bước vào tuổi dậy thì, việc duy trì tỉ lệ mỡ trong cơ thể ở mức phù hợp là rất quan trọng, đặc biệt là phần mỡ bao quanh vùng bụng.
Chứng vô sinh
Ngoài hậu quả gây tiền mãn kinh sớm, bản thân việc dậy thì sớm cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các bạn gái. Những người dậy thì sớm có xu hướng hoạt động chức năng kém ở buồng trứng. Điều này có nghĩa là khả năng rụng trứng của họ bị suy giảm, dẫn đến việc khó thụ thai hơn.