Muốn có vòng ba đẹp, phụ nữ 45 tuổi đã bơm silicon lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác, dẫn tới mông bị hoại tử nặng.
Thông tin ngày 24/8 từ Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết đơn vị này đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 45 tuổi bị hoại tử vùng mông rất nặng.
Sau khi bơm silicon lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác vào vùng mông tại một cơ sở thẩm mỹ, một ngày sau, nữ bệnh nhân thấy bộ phận này có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét.
Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử diện rộng da, mô mỡ vùng tiêm, viêm lan toả bẹn đùi.
Bệnh nhân được mổ nạo vét khoảng 2.500 cc tổ chức hoại tử và dịch mủ.
Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, cho hay nếu sử dụng silicon, chất làm đầy rởm để >làm đẹp, chị em dễ bị biến chứng, hoại tử nặng nề.
"Với trường hợp này, điều chắc chắn là mông của bệnh nhân sẽ biến dạng", bác sĩ Lâm nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng hiện nay, nhiều chất làm đầy được bán trên thị trường, nhưng chỉ một số ít được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Một số thẩm mỹ viện chạy theo lợi nhuận, đã dùng chất bị cấm. Trong đó, silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền được sử dụng nhiều nhất.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lâm khuyến cáo chị em muốn tiêm chất làm đầy, nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Người tiêm phải là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, có chuyên môn, chứng chỉ và cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề, mới thực hiện được.
"Trước khi tiêm chất làm đầy được phép, người đi làm đẹp cần chú ý thành phần ghi trên vỏ thuốc, cụ thể là HA (acid Hyaluronic hữu cơ), khi thấy thành phần có silicon, tuyệt đối không nên dùng. Ngoài ra, chị em cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam", bác sĩ Lâm khuyến cáo.