Thông tin về việc nâng ngực có nguy cơ bị nổ túi ngực khi đi vào môi trường thay đổi áp suất như trên máy bay hay không được khá nhiều người quan tâm.
- Đi máy bay có khiến túi ngực bị vỡ? Xem bác sĩ thế giới nói gì
- Ivy Trần suy sụp, 'tan nát cõi lòng' sau tai nạn nổ túi ngực silicon 2.000 USD ngay trên máy bay
Vỡ ngực vì đi máy bay
Sáng 26/7, trên chuyến bay VN1262 cất cánh rời TP.HCM đi thành phố Vinh lúc 6h40. Sau khoảng 40 phút, hành khách N.T.H tại ghế ngồi 18B có dấu hiệu chảy máu tại vết thương sau phẫu thuật thẩm mỹ ở ngực trái. Khách nữ liên hệ tiếp viên để xin bông, gạc.
Ngay sau khi nhận thông tin về tình trạng sức khỏe của khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y. Mặc dù nỗ lực sơ cứu, nhưng y sĩ vẫn không thể cầm máu cho khách vì lúc này máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000m, chênh lệch áp suất lớn.
Thấy tình hình sức khỏe bất ổn nên khách nữ N.T.H yêu cầu hỗ trợ y tế gấp. Ngay sau đó tổ tiếp viên đã thông báo tới cơ trưởng để có phương án xử lý.
Cơ trưởng quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho hành khách. Người bệnh nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cấp cứu.
Đây không phải là lần đầu tiên hành khách nữ đi máy bay gặp sự cố "nổ túi ngực". Vào năm 2018, nữ ca sĩ Ivy Trần cũng được chia sẻ là nổ túi ngực khi đi máy bay từ Đài Loan về Việt Nam. Ngày 22/10, sau khi Ivy Trần kết thúc chuyến lưu diễn và đang trên chuyến máy bay về Việt Nam.
Lúc này, nữ ca sĩ cảm thấy ngực trái có những âm thanh lạ giống như vỡ ra và sưng to. Cho rằng hiện tượng trên có thể do áp suất trong máy bay, nên khi về nhà, Tường Vy vẫn đi ngủ. Sau vài ngày, vòng một của cô ngày càng sưng lớn. Khi đến bệnh viện bác sĩ siêu âm và kết quả siêu âm chứng tỏ bờ túi không đồng đều và dịch nhờn chảy xung quanh ngực, nhưng không rõ dịch gì.
Không bao giờ túi ngực nổ
Chia sẻ về việc nổ túi ngực khi đi máy bay, TS BS Phạm Cao Kiêm – Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng túi ngực không dễ nổ, vỡ. Áp lực của túi ngực này được thử nghiệm trong đủ loại áp suất và nhiệt độ, độ nặng đè lên. Thậm chí có cả thử nghiệm xe tải 3,5 tấn cán lên túi ngực nhưng không có vỡ, nổ.
Tai nạn của nữ hành khách trên chỉ là sự trùng hợp. Túi ngực chỉ có thể bị rách, rò rỉ dịch silicon rất khó có thể nổ tung như nhiều người vẫn nghĩ.
TS Kiêm cho rằng, sự trùng hợp này gây hoang mang cho nhiều người nhưng về khoa học thì chị em phụ nữ không cần lo lắng.
TS Kiêm cho biết, nhu cầu thẩm mỹ nâng vòng 1 của chị em rất lớn và trước đây đã có nhiều ý kiến đưa ra tranh luận việc đi máy bay có nổ túi ngực không và kết quả hoàn toàn ngược lại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng túi ngực hoàn toàn không thể nổ hay vỡ khi đi máy bay.
Để chẩn đoán chính xác biến chứng sau nâng ngực của bệnh nhân cần kiểm tra lâm sàng và xem thời gian bệnh nhân đặt túi ngực trong bao lâu, nguy cơ bị bao xơ túi ngực không, size túi ngực.
Việc đặt túi ngực đúng size cũng rất quan trọng để tránh xảy ra biến chứng. Nếu bệnh nhân khuôn ngực nhỏ mà muốn đặt size lớn cũng không nên vì có thể gây co kéo ngực, gây rò dịch.
Khi đặt túi ngực, cơ thể sẽ tự sinh ra các cơ để bám và bao vây lấy túi ngực. Khi rò dịch silicon thì dịch này gây sưng đau ngực chứ không thể đi vào trong máu, di chuyển tới các bộ phận khác.
Độ bền của túi ngực rất tốt. Nếu túi ngực an toàn, được cấp phép của cơ quan Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ FDA thì có tuổi thọ lên tới vài chục năm. Tuy nhiên, vẫn có độ "lão hóa" của túi nhưng khả năng, tai biến lâu như rò dịch ghi nhận khoảng 1/30 nghìn ca.
Khả năng này cũng phụ thuộc vào chất liệu cấu thành nên túi ngực sẽ quyết định đến việc silicone có thể rò rỉ ra bên ngoài hay không sau một thời gian dài sử dụng.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Huy Cảnh – Bệnh viện 108 cho biết, không thể nổ được túi ngực khi đi máy bay. Các thí nghiệm đã thử và chưa ghi nhận ca nào nổ ngực trên máy bay. Nổ túi ngực thì khả năng người bệnh cũng tử vong.
TS Cảnh nghi ngờ trường hợp này có thể là chảy máu sau phẫu thuật nâng ngực chứ không phải do túi ngực. Từ trước tới nay, các phẫu thuật nâng ngực tai biến tử vong chỉ là do sốc do gây mê hoặc do thuốc chứ không phải do chất liệu túi ngực.